Không nên khoe thành tích của con trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời điểm các trường tổng kết năm học, trao thưởng cho học sinh cũng là dịp nhiều phụ huynh đua nhau khoe điểm số, thành tích của con trên mạng xã hội. Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, việc ghi nhận, động viên con là cần thiết nhưng không vì thế mà tạo áp lực lên những trẻ khác.
Không nên khoe thành tích của con trên mạng ảnh 1
Dịp tổng kết năm học, nhiều học sinh được khen thưởng.

Trường học các cấp đang tổ chức lễ bế giảng năm học 2023-2024, đồng thời họp phụ huynh để thông tin tình hình học tập của học sinh. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tuyên dương, trao thưởng cho học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, đoạt giải thưởng trên các lĩnh vực. Sau đó, nhiều cha mẹ khoe thành tích của con trên mạng xã hội.

Bà Trần Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức (Hà Nội), nói: “Xã hội vẫn áp cho ngành giáo dục coi nặng bệnh thành tích nhưng bệnh thành tích không chỉ tạo nên từ trường học mà còn từ áp lực xã hội, cha mẹ học sinh. Chúng tôi tư vấn phụ huynh rằng, để đạt kết quả tốt thay vì so sánh, gây áp lực mà nên đồng hành, hỗ trợ con”.

“Trong suốt chặng đường học nhiều năm, sẽ có lúc phong độ của con tụt giảm. Hôm nay điểm 10 nhưng mai có thể điểm 6-7 là điều rất bình thường. Vì thế, cha mẹ không vì thành tích mà gây áp lực cho con”.

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Thạc sĩ Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng, khoe thành tích trên mạng xuất phát từ văn hóa của nhà trường. Mỗi năm học hay sau các kỳ thi, trường nào cũng khoe có bao nhiêu học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, quốc gia, quốc tế. Và đương nhiên, phụ huynh cũng có quyền khoe thành tích của con với những người khác hay cả mạng xã hội. Ngoài việc lộ thông tin cá nhân, việc khoe cả giấy khen có tên trường, lớp, thành tích của trẻ còn tạo áp lực cho chính các trường và các em.

“Nếu như các nhà trường luôn nỗ lực dạy học để thành tích năm sau cao hơn năm trước thì chính học sinh cũng phải nỗ lực để vượt lên. Tôi biết có những em gồng mình giữ được thành tích 10 năm liền là học sinh giỏi, học sinh tiêu biểu nhưng mặt trái là những em đó phải học thêm rất nhiều mới đạt được. Có em chỉ biết cặm cụi học đến mức nhiều năm không có giải trí, không có bạn bè và trầm cảm phải đi điều trị tâm lý. Trong khi, kết quả điểm số không phản ánh đúng năng lực của người học”, ông Sơn nói,

Theo ông Sơn, nhiều trường học chạy theo thành tích gây áp lực rất lớn đối với học sinh. Trong quá trình làm tư vấn, học sinh chia sẻ, có những em không cần học nhiều vẫn được “cấy” điểm số đẹp để có học bạ đẹp dẫn đến “lạm phát” điểm 9-10, thành tích không còn thật và chính học sinh không nhận diện được bản thân ở đâu để nỗ lực.

MỚI - NÓNG