Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Mai Văn Trinh:

Không lo chuyện chấm lỏng chặt bài tự luận

Ông Mai Văn Trinh kiểm tra thi tại Thanh Hóa
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra thi tại Thanh Hóa
TP - Liên quan đến chuyện thi môn Ngữ văn, trao đổi với Tiền Phong, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh cho rằng: Đề mở, đáp án mở nhưng Bộ có giải pháp kỹ thuật kèm theo đảm bảo tính chính xác, khách quan. 

Không công bố đáp án ngay 

  Vì sao năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đáp án đề các môn ngay sau khi kết thúc thi, thưa ông? 

  Những năm trước, kết thúc thi Bộ thường công bố đáp án. Tuy nhiên, năm nay, xuất phát từ mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn kỳ thi nói chung, đặc biệt là ngăn ngừa gian lận. Chính vì thế, trong quy trình tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm, năm nay Bộ GD&ĐT đã có những nâng cấp và điều chỉnh bổ sung. Chính vì thế, năm nay Bộ sẽ không công bố đáp án các môn thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi như mọi năm. Tuy nhiên, Bộ sẽ cân nhắc công bố đáp án vào một thời điểm hợp lý cùng với tiến độ của việc chấm thi. 

Đề thi môn Ngữ văn mở, đáp án mở thì nhiều người lo lắng đến chuyện chấm lỏng, chấm chặt ở các địa phương. Ông có ý kiến gì?

Một trong những đặc điểm của chấm thi tự luận là ít nhiều chịu ảnh hưởng chủ quan của người chấm. Điều này khác với chấm trắc nghiệm hoàn toàn bằng phần mềm trên máy tính.

Chính vì thế, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới   khi chấm bài thi tự luận bao giờ cũng có những giải pháp kèm theo để đảm bảo rằng, mặc dù là chấm tự luận vẫn đảm bảo khách quan, chính xác và có độ tin cậy. Trong môn thi Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia nói riêng, như chúng đã biết, nhiều năm qua đề ra dạng câu hỏi mở mục đích nhằm giúp thí sinh có thể làm bài một cách sáng tạo theo ý của mình, kể cả về mặt tư tưởng, nội dung và cách trình bày.

Tuy nhiên, đề mở, câu hỏi mở thì bài trả lời cũng phải trả lời được những yêu cầu câu hỏi đặt ra. Ngoài ra, bài làm phải bảo đảm tính tư tưởng, chính xác, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đặc biệt không vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ cho điểm. Và chính câu hỏi mở này, sẽ phát huy tính sáng tạo của học sinh nên cán bộ chấm thi bao giờ cũng đòi hỏi cao hơn.

Qua nhiều năm sử dụng câu hỏi mở không chỉ trong kỳ thi THPT quốc gia mà trong dạy học, kiểm tra, đánh giá hàng ngày giáo viên đã sử dụng dạng này, do đó thí sinh hoàn toàn yên tâm về chấm thi tự luận. 

Quy chế thi cũng có quy định hàng rào kỹ thuật để đảm bảo việc này như thực hiện nghiêm 2 vòng độc lập. Ngoài ra, còn có quy định rút bài chấm thẩm định 5% số bài thi. Nếu các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc việc chấm thi môn Ngữ văn theo quy định, dù câu hỏi mở nhưng kết quả chấm sẽ phản ánh đúng năng lực học sinh. 

Một số địa phương có đông thí sinh dự thi, việc huy động lực lượng giáo viên có năng lực tốt để chấm thi môn tự luận sẽ được xử lý như thế nào?

Việc này không phải là vấn đề quá khó, đông thí sinh thì logic kèm theo là đông giáo viên và các hội đồng thi sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn giáo viên đủ năng lực. Qua kinh nghiệm làm thi nhiều năm, các Hội đồng thi cũng đã lựa chọn đủ số lượng và chất lượng để chấm bài thi. Ngoài ra, quy chế thi cũng cho phép, trong điều kiện cần thiết, các địa phương mời thêm cán bộ, giảng viên đến từ trường ĐH, CĐ tham gia chấm cùng.

Yên tâm về máy móc chấm trắc nghiệm

Có lo lắng nào về việc máy móc chấm thi trắc nghiệm năm nay có thể xảy ra sai sót không, thưa ông? 

Đối với hệ thống máy móc, kỹ thuật đã có quy định rất cụ thể. Bộ GD&ĐT cũng đã tập huấn kỹ cho cán bộ từ tháng  3/2019 đến nay về việc này. Đối với các trường ĐH, Bộ cũng chủ động trực tiếp tập huấn, hướng dẫn thử nghiệm phần mềm. Vì thế, đến thời điểm này, Bộ không nhận được bất kỳ kiến nghị hay cần sự hỗ trợ của các trường về mặt kỹ thuật.

Điều này có nghĩa là họ cũng đã sẵn sàng để bắt tay vào việc chấm thi. Ngoài ra quy chế cũng quy định, cho phép trường ĐH nào thấy cần thiết sự hỗ trợ của cán bộ chấm thi giàu kinh nghiệm ở các Sở GD&ĐT thì có thể sử dụng, nguyên tắc là không lấy cán bộ của Sở đó để chấm bài cho chính thí sinh của địa phương. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.