Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
27/06/2019 06:22
Sáng nay, 27/6, nhiều thí sinh bước vào bài thi tổ hợp KHXH trong ngày cuối vượt vũ môn kỳ thi THPT quốc gia 2019.
27/06/2019 06:25
Hôm qua các thí sinh đã trải qua bài thi tổ hợp KHTN và Ngoại ngữ. Nhiều thí sinh nhận định, đề không đánh đố, tính phân hoá khá tốt.
27/06/2019 06:35
27/06/2019 06:36
Kết thúc ngày thi thứ hai kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có 18 thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế.
Cụ thể: trong ngày thi thứ hai, bài thi Khoa học tự nhiên có tổng số 342.413 thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó, môn Vật lí: 336.412; Môn Hóa học: 340.411; Môn Sinh học : 335.103;
Tổng số thí sinh đến dự thi: Môn Vật lí là 335.070 đạt tỷ lệ 99.60%; Môn Hóa học: 338.928, đạt tỷ lệ 99.56%; Môn Sinh học: 333.951, đạt tỷ lệ 99.66%.
Bài thi Ngoại ngữ có 795.138 thí sinh đăng kí dự thi. Tổng số thí sinh dự thi: 791.909, đạt tỷ lệ 99,59%.
Về thực hiện quy chế thi, trong ngày thi 26/6, cả nước có 18 thí sinh vi phạm bị đình chỉ thi; 0 có cán bộ nào vi phạm.
27/06/2019 06:39
Trong buổi thi hôm qua, nhiều thí sinh bị đình chỉ vì cố tình cầm điện thoại vào phòng thi. Thời tiết nắng nóng phần nào ảnh hưởng đến sức khoẻ thí sinh. Trong khi Hà Nội nắng to thì TPHCM lại bất chợt đổ mưa khiến nhiều thí sinh khá vất vả.
27/06/2019 06:42
Nhiều sỹ tử tóc bạc ở Sơn La
Điểm thi Trường THPT Sông Mã (Sơn La) có đến 80 thí sinh dự thi trên 40 tuổi. Phần lớn các thí sinh này là bà con dân tộc.
“Việc những thí sinh người dân tộc lớn tuổi, nhiều người con cháu đề huề, còn đi thi THPT thể hiện sự quyết tâm học lấy con chữ của người dân. Họ là những tấm gương sáng về học tập, để con cháu họ lấy đó làm gương. Đến hết ngày thi thứ 2, chưa có thí sinh nào ở điểm trường vi phạm quy chế thi”, đại diện điểm thi trường THPT Sông Mã nói.
Bước ra từ phòng thi, anh Vừ A Nghĩa (42 tuổi), thí sinh dân tộc Mông tươi cười cho biết, các môn thi năm nay vừa sức với bản thân. Trước đó, anh Nghĩa học hết lớp 9, đi học hệ trung cấp sư phạm rồi về giảng dạy ở một điểm trường tiểu học thuộc huyện Sông Mã để xoá mù chữ cho các em nhỏ vùng cao. “Mình thi để có tấm bằng đáp ứng nhu cầu công việc”, anh Nghĩa nói.
Kết thúc ngày thi thứ 2, nhiều thí sinh tóc bạc tự tin bước ra khỏi phòng thi với nụ cười tươi. Với họ, việc thi cử THPT không chỉ vì tấm bằng tốt nghiệp mà hơn thế là thể hiện ý chí, sự ham học và làm gương cho con cháu. (Quang Lộc).
27/06/2019 06:43
27/06/2019 06:50
Từ Hà Giang, PV Trường Phong đưa tin: Thời tiết Hà Giang đầu buổi dịu trời nhưng dự báo sẽ nóng. Hiện các thí sinh đến điểm thi THPT Vị Xuyên (Huyện Vị Xuyên, Hà Giang) từ rất sớm.
27/06/2019 07:00
Một phụ nữ bán hàng bên cạnh trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) nhận trông hộ điện thoại cho các thí sinh. Sáng nay, 27/6, bà nhận trông hộ gần 10 điện thoại. Hôm đầu tiên bà nhận trông hộ vài chục cái, để đầy một hộp.
27/06/2019 07:05
Các U50 đi thi
Tại điểm thi trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, từ hơn 6h đã có lác đác thí sinh đến trường. Điều khá thú vị là tại điểm thi này có tới 6 thí sinh U50 dự thi.
Anh Nguyễn Minh Phúc, một trong hai thí sinh lớn tuổi nhất, sinh năm 1965, cho biết anh đang là chủ tịch hội cựu chiến binh của thị trấn Văn Lãng. Vị trí công tác của anh không đòi hỏi bằng tốt nghiệp THPT nhưng anh vẫn quyết đi thi. Sau hai ngày thi, anh Phúc nói: "môn văn khó lắm, chỉ làm được hai câu nhỏ thôi".
Anh Phúc cũng cho hay con lớn đã tốt nghiệp ĐH, chỉ còn con út đang học ĐH dưới Hà Nội. Khi biết anh đi thi, các con đều động viên: Bố cố gắng lên!
Chị Hà Thị Oanh, sinh năm 1975, thì cho hay lớp học ôn bổ túc của chị có 9 người, năm nay đều cùng nhau đăng ký dự thi ở điểm thi này. Chị làm ở xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Nhà chị cách nơi học ôn hàng tuần là 30km. Sáng nay chị đi xe máy đến điểm thi. Một năm qua, chị cùng với các anh em còn lại mỗi tuần gặp nhau ba ngày để ôn tập kiến thức. Thuộc diện "có tuổi" đi thi nhưng chị thấy rất vui. Chị Oanh cũng cho biết hiện hai con chị đã tốt nghiệp ĐH nhưng chưa xin được việc làm đúng ngành nên đi làm công nhân ở dưới Bắc Ninh.
27/06/2019 07:08
Tại điểm thi trường THPT Văn Lãng, Lạng Sơn có một thí sinh đặc biệt là Dương Thế Hùng. Hùng bị tai nạn xe máy từ trong tết nguyên đán, đến giờ dù đã được rút đinh nhưng Hùng vẫn cần sự hỗ trợ của đôi nạng để di chuyển. Đi học và đi thi, Hùng đều được bạn chở đi. Mục tiêu của em năm nay là thi đỗ tốt nghiệp vì cả nửa năm học vừa qua, do chân đau, em không có nhiều thời gian để ôn luyện. Năm sau Hùng sẽ thi ĐH.
27/06/2019 07:09
27/06/2019 07:12
Tại điểm thi THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, cộng tác viên Việt Linh cho biết từ 6h15, nhiều thí sinh đã có mặt tại điểm thi.
Do di chuyển khá sớm, nhiều em mang đồ ăn sáng, sáng vở tới địa điểm thi tiếp tục ôn tập. Thí sinh mang theo Atlat để phục vụ cho môn thi Địa lý. Nam sinh (THPT Hoàng Cầu) quên thẻ dự thi, đang chờ phụ huynh quay về nhà lấy. Em cho biết mình hoàn thành tốt bài thi KHTN hôm qua, nên không quá áp lực vào ngày thi hôm nay. “Em chỉ thi KHXH cho vui”, thí sinh này cho biết thêm.
Nhiều phụ huynh nán lại cổng trường đợi con, đến sau tiếng trống phát đề mới quay về vì sợ con quên đồ, lại không đem điện thoại, không thể liên lạc được. Phụ huynh đem thẻ dự thi tới kịp thời.
27/06/2019 07:15
Tại điểm thi trường THCS& THPT MARIE CURIE rất đông thí sinh đến từ sáng sớm. Các thí sinh mang theo cuốn Atlat Địa lý.
Đến 7h 23 phút phụ huynh của em Nguyễn Hồng Hạnh, trường THPT Đại Mỗ mới mang Atlat Địa lý đến cho con tại điểm thi trường THPT MARIE CURIE: “ con gọi điện về mà tôi không nghe máy vì cháu gọi số lạ. Khi gọi lại mới biết con quên vì sáng đi vội. Mong giám thị xuống lấy đưa lên phòng giúp cho con”- phụ huynh này chia sẻ. Cũng theo vị phụ huynh này, cháu tối qua ôn miết đến 3h sáng mới đi ngủ nên sáng không nhớ mang Atlat Địa lý đi thi.
27/06/2019 07:20
Lúc 6g45, thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi trường THPT Việt Đức, Hà Nội. Sáng nay, tại điểm thi này có 18 phòng với 432 thí sinh dự thi.
27/06/2019 07:22
Thời tiết sáng nay tại TPHCM khá nóng, sáng sớm nắng đã chói chang. Tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TPHCM, một thí sinh quên mang Atlat địa lý được phụ huynh đón xe ôm công nghệ mang đến sát thời điểm vào phòng thi.
27/06/2019 07:24
Môn thi đầu tiên trong bài tổ hợp sáng nay là lịch sử, tiếp đến là Địa lý và cuối cùng là môn Giáo dục công dân. Thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút.
27/06/2019 07:37
Thí sinh Nam Định tự tin bước vào ngày thi cuối
Thông tin từ Sở GD-ĐT Nam Định, ở tổ hợp thi xã hội hôm nay, Nam Định có 8.813 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, 8.769 thí sinh đăng ký thi môn Địa lý , 7.160 thí sinh đăng ký thi môn Giáo dục công dân.
Cũng như ở các buổi thi trước, trước khi đến trường thi, rất nhiều phụ huynh và thí sinh đã đến tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để thắp hương, cầu mong buổi thi suôn sẻ, làm bài thi tốt. Từ hơn 5 giờ, mặt trời đã xuất hiện, báo hiệu một ngày tiếp tục nắng nóng tại Nam Định.
Ghi nhận từ các trường thi ở tỉnh này cho thấy ở buổi thi cuối cùng, thí sinh đến điểm thi rất sớm. Từ 6 giờ kém, những thí sinh đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ở điểm thi. Nhưng nắm bắt được tâm lý này, các trường thi đều đã sẵn sàng đón thí sinh.
Tại cổng các điểm thi, đội TNTN xếp 2 hàng ngay ngắn đón, chúc các thi sinh làm bài tốt trong buổi thi cuối. Với tâm lý đã hoàn thành các bài thi trước khá tốt, các phụ huynh đều cố níu con lại ở cồng trường thi, dặn dò thí sinh bình tĩnh, cẩn thận làm bài thi để "đầu xuôi, đuôi lọt". Theo ghi nhận của PV, thí sinh ở "đất học" bước vào ngày thi cuối với tâm lý rất tự tin.
Em Nguyễn Thị Nga, thí sinh dự thi ở điểm thi THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Học sinh học môn xã hội đều rất chăm học, những câu về kiến thức cơ bản sẽ không đáng ngại. Để được điểm cao và có cơ hội trúng đại học, em nghĩ phải làm tốt những câu hỏi nâng cao, nghị luận. Rút kinh nghiệm về việc đề thi năm nay có tính phân hoá rất cao, em và các bạn bảo nhau phải "giải quyết nhanh" câu dễ. Nhưng với câu hỏi khó thì phải rất bình tĩnh, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đấy mới có cơ hội đạt điểm cao.
Trước đó, vào cuối buổi chiều qua, 26/6, thông tin từ Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tỉnh Nam Định cho biết, trong buổi thi môn Ngoại ngữ diễn ra vào chiều ngày 26/6, có 16.442 thí sinh dự thi, so với đăng ký đã có 31 thí sinh bỏ thi, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi, không có sự cố cũng như trường hợp cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế.
27/06/2019 07:38
Trong lần “ra quân” thực hiện nhiệm vụ trong kì thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Thái Bình, các cán bộ, giảng viên trường Đại học Ngoại thương đã mang theo 4.500 chiếc bút chì 2B để sẵn sàng hỗ trợ cho thí sinh trong những trường hợp cần thiết.
Được biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trường Đại học Ngoại thương đã cử hơn 500 cán bộ giảng viên tham gia coi thi ở Thái Bình và Trà Vinh.
27/06/2019 08:02
Nữ sinh ung thư “nhịn” vào hóa chất để đi thi xét tuyển đại học
Mặc dù bị căn bệnh ung thư xương hoành hành nhưng em Nguyễn Ngọc Thùy Dương - lớp 12A7 Trường THPT Cái Bè (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vẫn nén đau đớn đến dự thi xét tuyển đại học.
Thùy Dương bị ung thư xương ác tính, hiện đang chuyển qua giai đoạn di căn. Em đã vào hóa chất 6 lần, khi đó bệnh tình thuyên giảm nhưng không ngờ đầu năm 2019, bệnh tình tiếp tục tái phát, các bác sĩ yêu cầu Thùy Dương vào hóa chất điều trị.
Năm nay, Thùy Dương dự thi 3 môn thi gồm: Ngữ văn, Toán và tiếng Anh tại điểm thi Trường THPT Cái Bè, để xét tuyển đại học với chuyên ngành là Bác sĩ Tâm lý. Thùy Dương ước mơ trở thành một Bác sĩ Tâm lý giỏi để phục vụ cho người dân.
27/06/2019 09:37
TPHCM có nhiều phòng thi chỉ có 1 thí sinh
Đơn cử, trong bài thi Khoa học Xã hội sáng nay, tại điểm thi Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú, TPHCM có nhiều phòng thi khá đặc biệt. Cụ thể, phòng thi 2949 của điểm thi này chỉ có duy nhất em Trần Văn Tân, số báo danh 02070435 đăng ký thi môn thi nói trên. Phòng thi 2932 và 2939 có hai thí sinh dự thi môn Giáo dục Công dân. (Nguyễn Dũng).
27/06/2019 09:55
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, có 561.364 học sinh cả nước đăng ký thi bài thi Khoa học Xã hội, chiếm gần 53% so với tổng số thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia.
Con số này cho thấy, tỷ lệ thí sinh dự thi bài thi Khoa học Xã hội không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này là 43%, năm 2018 là 48% và năm 2019 là 53%.
Nguyên nhân do các môn khoa học xã hội dễ học hơn. Đặc biệt, trong tổ hợp này có môn Giáo dục công dân với rất nhiều nội dung là kiến thức thông thường mà học sinh được tiếp cận trong quá trình học tập và sinh sống. Môn Địa lý có nhiều nội dung học sinh có thể trả lời trực tiếp câu hỏi căn cứ vào Atlat là tài liệu được mang vào. Trong ba môn của tổ hợp Khoa học Xã hội, chỉ duy nhất môn Lịch sử hơi khó hơn. Tuy nhiên, với các thí sinh chỉ cần dùng điểm thi để xét tốt nghiệp thì không đặt mục tiêu phải đạt điểm cao, chỉ cần đủ điểm đỗ, nên cũng rất dễ thở.
27/06/2019 09:56
Lào Cai: Thí sinh thi môn cuối cùng trong thời tiết nóng bức
Sáng nay, thời tiết ở Lào Cai nóng nực, oi nồng từ sớm, khiến thí sinh khá khó chịu trong ngày thi cuối cùng.
Tại các điểm thi ở tỉnh Lào Cai, thí sinh đến từ rất sớm, đúng giờ làm thủ tục vào phòng thi theo đúng quy định, an toàn. Hầu hết các thí sinh đều phấn khởi do đã làm khá tốt các môn thi trước đó.
Để đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Công an thành phố Lào Cai đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sỹ và 30 bảo vệ dân phố túc trực tại 4 điểm thi trên địa bàn Các lực lượng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các phương án, kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố đã bố trí, phân công nhiệm vụ các chiến sỹ cảnh sát giao thông tăng cường tại các tuyến giao thông trọng điểm, các địa điểm thi, sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, người nhà thí sinh và các giám thị đến đúng giờ.
27/06/2019 09:59
Thừa Thiến Huế: Hơn 8.000 thí sinh Huế đăng ký dự thi buổi cuối.
Sáng sớm 27/6 nhiều thí sinh tại Huế đã có mặt từ sớm tại các Hội đồng thi để tránh nắng. So với các môn Tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên, số lượng thí sinh tại Thừa Thiên Huế năm nay đăng ký thi các bài Khoa học xã hội tăng gần gấp đôi so với mọi năm. Việc nhiều thí sinh lựa chọn bài thi KHXH chủ yếu là do bài thi Sử, Địa lý, Giáo dục công dân tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Do vậy, những học sinh chưa thật sự vững về kiến thức các môn KHTN thường có xu hướng chọn bài thi KHXH để “thoát” điểm liệt và đạt được mục đích tốt nghiệp. (PV)
27/06/2019 10:02
Sáng nay 27/6, hơn 12.500 thí sinh tại 35 điểm thi ở Hà Tĩnh làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Tại điểm thi Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) mới sáng sớm đã có rất nhiều thí sinh có mặt tại điểm trường.Nhiều bạn đến sớm tranh thủ giở những cuốn sách ôn luyện đọc lại. “Do thói quen, ngồi vậy em cũng lo nên đưa cuốn sách Lịch sử ra xem mấy ta gạch đầu dòng để mình nhớ lỡ vào phòng thi lại trúng tủ” - em Nguyễn Thanh Hương (Trường Lý Tự Trọng, Thạch Hà) cười nói.
27/06/2019 10:18
27/06/2019 10:18
27/06/2019 10:31
Tại Lạng Sơn, PV Nghiêm Huê đưa tin: Tại điểm thi THPT Hoàng Văn Thụ, Lạng Sơn, những thí sinh tự do, trung tâm giáo dục thường xuyên đã được rời khỏi trường thi.
Có mặt tại đây, thứ trưởng Bộ GD&DT Lê Hải An đã hỏi thăm, cảm ơn các phụ huynh đã đồng hành cùng ngành giáo dục trong việc tổ chức kỳ thi năm nay.
Điểm thi này là một trong hai điểm thi có các chiến sĩ nghĩa vụ công an dự thi của tỉnh Lạng Sơn. Bước ra khỏi phòng thi, các chiến sĩ được xe của cảnh sát cơ động đưa về. Năm nay, trong hơn 500 thí sinh tự do của Lạng Sơn, có 110 thí sinh là chiến sĩ nghĩa vụ, được sắp xếp dự thi tại hai điểm thi.
27/06/2019 10:41
ĐỀ THI GDCD mã đề 321
27/06/2019 10:45
Thí sinh tự tin đạt điểm cao
Sáng nay, sau khi kết thúc với bài thi tổ hợp Môn Khoa học xã hội nhiều thí sinh cho rằng đề Môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đề cơ bản, nhiều câu ở mức độ nhận biết rất dễ kiếm điểm. Đặc biệt, Môn Giáo dục công nhân nhiều em làm trong 20 phút và tự tin đạt 8-9 điểm.
Em Thanh Trung, học sinh trường THPT Trung Văn cho rằng đề Môn Giáo dục công dân khá dễ, mất 30 phút xong bài và tự tin đạt trên 9 điểm.
Em Nguyễn Anh Hoàng, tại điểm thi THCS&THPT MARIE CURIE cho rằng đề Sử, địa và Giáo dục công dân cơ bản, đề tương đương năm ngoái: “ Em tính các Môn trung bình đạt 6-7 điểm. Em đăng ký xét tuyển vào ĐH Lao động- Xã hội thì cơ hội đỗ là cao”- Trung chia sẻ.
Em Trịnh Khánh Hà cho rằng, ngay từ khi đi thi đã không áp lực vì em đã nộp đơn và đã đỗ thẳng vào ĐH Anh Quốc Việt Nam(BUV). Em đi thi chỉ để xét tốt nghiệp: “ đề ra với hai mục đích mà chỉ để tốt nghiệp thì không khó”- Hà chia sẻ.
Bách Hợp
27/06/2019 10:48
Một học sinh tại TPHCM nhận xét về đề sử. Clip Nguyễn Dũng
27/06/2019 10:52
Thí sinh Đinh Hữu Thế Anh, lớp 12A9, THPT Tống Văn Trân, thi tại điểm THPT Tống Văn Trân huyện Ý Yên, Nam Định nói về đề thi tổ hợp KHXH. Clip Hoàng Long
27/06/2019 11:12
Từ điểm thi trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, cộng tác viên Việt Linh cho biết nhận xét ban đầu về đề thi, thí sinh cho rằng, độ khó là tương đương với đề minh hoạ, thậm chí khó hơn các đề thi thử các em đã từng làm.
Sử là môn các thí sinh lo ngại nhất, được nhận xét là “dễ liệt nếu không học”. Ngược lại, với GDCD, Nguyễn Thanh Hương (THPT Đống Đa) cho biết, “em chỉ mất 20 phút để hoàn thành bài, có thể đạt ít nhất 8 điểm”.
Cũng theo phản ánh của cộng tác viên Việt Linh, môn Địa lý, mang Atlat vào phòng thi giúp thí sinh làm được từ 7-10 câu, chiếm khoảng 20% bài thi, tuỳ mã đề. Trịnh Đức Khoa, THPT Anhxtanh cho biết, “Ngoài các câu sử dụng Atlat, đề có 2-3 câu cho sẵn đồ thị, biểu đồ, thí sinh dễ dàng kiếm điểm từ những câu này”.
Là thí sinh dự thi khối C4 (Toán, Văn, Địa), Nguyễn Thu Hương cho biết em đủ thời gian để hoàn thành tốt bài thi Địa Lý, tự tin đạt 8,5-9 điểm
27/06/2019 11:16
Tại Đà Nẵng, kết thúc bài thi tổ hợp sáng nay, phần lớn thí sinh tự tin với hai môn Địa lý và GDCD. Theo các em, đề GDCD dễ, nhiều thí sinh làm dư thời gian, đề Địa có thể kiếm điểm 6, 7. Riêng môn Lịch sử không ít thí sinh tỏ ra lo lắng với phần lịch sử Việt Nam. “Em thấy khó nhất lựa chọn đáp án thời gian, sự kiện trong phần lịch sử Việt Nam, về các cuộc chiến tranh, quá trình từ 1930 – 1975. Nếu “may mắn” lắm thì làm được 50% thôi”, Phạm Ngọc Ánh (trường THPT Quang Tung) cho hay.
“Đề ra kiểu so sánh giữa hai đáp án nhiều khiến em rất phân vân. Em không thấy tự tin trong bài làm hôm nay. Môn Sử là môn xét tuyển nhưng có lẽ em là chỉ được 5 điểm”, Gia Bảo (trường THPT Phan Châu Trinh) lo lắng.
Phần lớn khi được hỏi về môn Lịch sử, các thí sinh đều chia sẻ khó kiếm điểm trung bình do đề khó, nhiều em đến gần hết thời gian “đánh lô tô” để không bỏ trống đáp án.
Trong buổi thi sáng nay, Đà Nẵng có 20 thí sinh vắng thi môn Địa lý, môn Giáo dục công dân vắng 20 thí sinh vắng, môn lịch sử vắng 27 thí sinh.
27/06/2019 11:24
Đà Nẵng: Đình chỉ 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi
Trong giờ làm bài thi môn GDCD sáng nay (27/6), tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu), cán bộ coi thi phát hiện 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Cán bộ coi thi đã lập biên bản và đề nghị Trưởng điểm thi ra Quyết định đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm theo quy chế thi.
Trước đó, chiều 26/6, tại điểm thi trường THPT Thanh Khê (quận Thanh Khê) trong giờ làm bài thi môn Ngoại ngữ, cán bộ coi cũng đã lập biên bản 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. (Thanh Trần)
27/06/2019 11:27
Bình Định: Thí sinh mong chấm thi minh bạch
Kết thúc ngày thi thứ 3, kỳ thi THPT quốc gia 2019, thông qua câu hỏi của PV, về sự việc gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở các tỉnh phía Bắc gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Nhiều thí sinh tại Bình Định chia sẻ và mong muốn có một kết quả chấm thi công bằng, đúng với năng lực.
Em Nguyễn Gia Tấn học sinh Trường Quốc Học Quy Nhơn chia sẻ: “Em mong muốn một kỳ thi công bằng, minh bạch về công tác chấm thi cần phải được giám sát kỹ lưỡng”.
Thí sinh Nguyễn Thái Quỳnh Như mong muốn: Cần tăng cường người quản lý trong công tác chấm thi để chúng em có một kết quả đúng với năng lực”. Đó cũng là chia sẻ của thí sinh Cao Anh Phương học sinh Trường Quốc Học Quy Nhơn. (Trương Định)
27/06/2019 11:29
Sơn La: Có thí sinh mang điện thoại vào phòng chờ
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: Trong bài thi tổ hợp KHXH sáng 27/6, môn Sử có 9553 thí sinh đăng ký dự thi, vắng mặt 49 thí sinh; môn Địa có 9409 thí sinh đăng ký dự thi, vắng mặt 44; môn Giáo dục Công dân có 8068 thí sinh đăng ký dự thi, vắng mặt 24; không có giám thị vi phạm quy chế. Ở điểm thi Mai Sơn, có 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng chờ sau khi thi xong 1 môn bị đình chỉ thi.
27/06/2019 11:31
Nghệ An: Thí sinh 'chê' đề Sử và Địa tính phân hóa chưa cao
Sáng nay, 21.666 thí sinh Nghệ An đã hoàn thành bài thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - bài thi tổ hợp KHXH (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Trong đó, môn Lịch sử có 23.486 thí sinh, môn Địa lý có 23.339 thí sinh và môn GDCD có 21.775 thí sinh dự thi. Thí sinh nhận định đề Địa và GDCD dễ, đề Sử khó.
Thí sinh Nguyễn Khánh Linh (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Cá nhân em thấy đề Lịch sử và Địa lý hơi dài nhưng không khó, còn đề thi Giáo dục công dân vừa sức. Đối với với môn Địa lý, 5 câu cuối cùng có những đáp án tương tự nhau, nếu thí sinh không “tỉnh” dễ bị mất điểm. Còn môn Giáo dục công dân có những tình huống đặt ra rất hay và sát, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài”.
Theo thí sinh này, đề thi Sử và Địa tính phân hóa chưa cao nên các thí sinh đăng kí xét tuyển đại học khối C sẽ gặp nhiều bất lợi bởi với đề thi này, học sinh có học lực khá cũng có thể đạt điểm cao, do đó, việc cạnh tranh 1 suất vào các trường đại học cũng sẽ khó hơn. (Cảnh Huệ)
27/06/2019 11:53
27/06/2019 12:05
Nhiều thí sinh Nam Định tự tin sẽ đỗ đại học.
Lúc 10 giờ 30, thí sinh Nam Định hoàn thành buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Với thành tích 3 năm vừa qua liên tiếp đứng thứ nhất, thứ hai về trung bình điểm thi toàn quốc, cộng với chất lượng làm bài khá tốt ở tất cả 5 buổi thi, thí sinh vùng "đất học" rời khỏi phòng thi hôm nay với tâm trạng đầy hi vọng về chặng đường học tập tiếp theo.
Em Nguyễn Thị Ngọc Ánh (lớp 12 A9, THPT Tống Văn Trân, huyện Ý Yên, Nam Định) thi tại điểm thi THPT Tống Văn Trân cho biết: "Để xét đỗ tốt nghiệp thì không đáng lo. Em biết thi vào Đại học Ngoại thương là rất khó, nhưng với kết quả thi những ngày qua, nhất là ở buổi thi cuối cùng hôm nay thì em nghĩ bản thân sẽ có cơ hội đỗ".
Thống kê của Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, trong hơn 18.000 thí sinh đăng ký dự kỳ thi này, chỉ có 3.550 thí sinh thi để xét tốt nghiệp, con lại đều tham gia thi đại học. Ghi nhận của PV sáng nay và sáng qua tại các điểm thi cho thấy phần lớn thí sinh đều làm được bài ở mức đủ hi vọng để đỗ đại học.
Đồng ý với nhận định này, cô giáo Trần Thị Bích Ngọc (trường THPT Tống Văn Trân) cho biết, đề cương ôn tập ở tất cả các môn năm nay của Sở GD- ĐT Nam Định rất sát với đề thi của Bộ, thậm chí ở nhiều môn thi, đề thi của Bộ còn dễ hơn đề thi thử của Sở.
"Theo dõi diễn biến của kỳ thi, tôi tin rằng Nam Định vẫn sẽ đứng trong nhóm các tỉnh cao điểm nhất nước cũng như có nhiều học sinh đỗ đại học, cao đẳng.
27/06/2019 12:07
Hà Nam: Hơn 5000 thí sinh dự thi môn cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2019
Sáng nay, hơn 5000 thí sinh Hà Nam đã hoàn thành môn thi tổ hợp KHXH, môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Địa lý vừa sức, đề Giáo dục công dân rất dễ kiếm điểm khá. Chỉ có đề Sử là chưa sát với chương trình ôn tập.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, trong môn thi tổ hợp KHXH số thi sinh đăng ký dự thi môn Sử là 5.756 thí sinh, số thí sinh dự thi là 5.739, vắng thi: 17 thí sinh; Số thi sinh đăng ký dự thi môn Địa lí: 5.605, số thí sinh dự thi: 5.59, vắng thi: 13 thí sinh; Số thi sinh đăng ký dự thi môn Giáo dục công dân: 4.973, số thí sinh dự thi: 4.965, vắng thi: 8 thí sinh. Ngày thi cuối cùng, tại Hà Nam không có thí sinh, cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi.
*Thống kê của Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, trong ngày thi cuối cùng 27/6, số thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử là 8774, vắng thi 39. Số thí sinh đăng ký dự thi môn Địa lý là 8732, vắng thi 37. Số thí sinh đăng ký dự thi môn GDCD là 7164, vắng thi: 9. Không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
27/06/2019 12:13
Cần Thơ: 1 thí sinh quy phạm quy chế thi
Trưa 27/6, theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trong ngày thi hôm nay có 3 môn, gồm: Lịch sử có 6087 thí sinh đăng ký dự thi, thí sinh đến phòng thi 6035, vắng 52 thí sinh; môn địa có 5986 thí sinh đăng ký, dự thi 5934, vắng 52; môn giáo dục công dân có 5391 thí sinh đăng ký, 5369 thí sinh đến phòng thi và vắng 22 thí sinh.
Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, các thí sinh và cán bộ coi thi đến dúng giờ và tổ chức thi nghiêm túc. Tuy nhiên, tại điểm thi THPT Giai Xuân, huyện phong Điền có 1 thí sinh quy phạm quy chế thi.
27/06/2019 16:10
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM vừa cho biết đã huy động hơn 2.000 cán bộ, trong đó có 700 cán bộ chấm thi tự luận, số còn lại làm phách, so dò, đối chiếu...", ông Hiếu nói.
27/06/2019 16:10
27/06/2019 16:52
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Rút kinh nghiệm từ những "sự cố lỗi kỹ thuật" về cộng nhầm điểm thi, truyền dữ liệu... từ kỳ thi trước, năm nay tỉnh Lạng Sơn đầu tư mua mới 2 máy quét, 7 máy vi tính phục vụ riêng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Để tránh cộng nhầm, cộng sót, chúng tôi sẽ chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi và chọn xác suất bài đạt điểm cao để kiểm tra. Bộ GD& ĐT cũng tăng cường camera giám sát công đoạn chấm trắc nghiệm và tự luận". Ông Tuấn nói
Tại phòng đựng đề thi, bài thi, phòng chấm trắc nghiệm và tự luận được lắp hệ thống camera với thời hạn lưu trữ 21 ngày.
Năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp quốc gia THPT 2018, tỉnh Lạng Sơn nổi lên cùng các tỉnh Hòa Bình, Sơn La có hàng loạt thí sinh đỗ thủ khoa với bảng điểm “khủng” gây xôn xao dư luận dẫn đến Bộ GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra lên tỉnh này làm việc.
Sau đó kết luận có những bài thi sai lệch điểm bài thi do “cộng nhầm”. Hội đồng thi tỉnh Lạng Sơn và một số cán bộ, giáo viên địa phương phải làm kiểm điểm, tường trình, rút kinh nghiệm sâu sắc.
27/06/2019 17:27
Chiều 27/6, tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi diễn nghiêm túc, khách quan và an toàn, đáp các mục tiêu đề ra là diễn ra an toàn nghiêm túc, nhẹ nhàng.
27/06/2019 17:27
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, phó trưởng ban chỉ đạo thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 chủ trì cuộc họp báo chiều nay.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay có 79 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật. Trong đó có 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, ba thí sinh bị cảnh cáo, bốn thí sinh bị khiển trách.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt trên 99%. Có một số sai sót xảy ra sở một số hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn hơn giờ quy định. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Tuy nhiên, đánh giá tổng quan trên phạm vi cả nước, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia, kỳ thi năm nay được thực hiện với sự quyết tâm rất cao của Bộ GD&ĐT về việc đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
"Đến thời điểm này, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng"- Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. (Bách Hợp đưa tin)
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, phó trưởng ban chỉ đạo thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 chủ trì cuộc họp báo .Ảnh Như Ý
27/06/2019 17:41
27/06/2019 17:45
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã có một số điều chỉnh: đề thi nằm trong chương trình lớp 12; thí sinh tự do thi cùng thí sinh lớp 12;
Tăng cường vai trò các trường ĐH, CĐ; Các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm; Tăng cường vai trò lực lượng công an. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, Ban chỉ đạo thi các tỉnh vào cuộc từ sớm. Vì thế, công tác chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Năm nay có 1.980 điểm thi, gần 870 nghìn thí sinh dự thi.
Nhìn chung …Thí sinh vi phạm quy chế thi chủ yếu do mang điện thoại vào phòng thi. Phú Thọ, có thí sinh đưa điện thoại vào chụp đề thi tuồn ra ngoài khi đã qua 2/3 thời gian làm bài thi. Tỉnh Lào Cai, cán bộ coi thi ký nhầm tên vào ô cán bộ chấm thi cho 3 thí sinh.
Sau 1 thời gian làm bài mới phát hiện ra giám thị này đã cho thí sinh chép lại. Cán bộ này bị đình chỉ thi, làm công tác tư tưởng cho 3 thí sinh và cho 3 thí sinh thi lại bằng đề dự bị trong chiều nay.
Tại Hội đồng thi Sơn La, có 1 thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách nhưng cách xử ly của cán bộ chưa đúng nên ban chỉ đạo thi đình chỉ nghiệp vụ coi thi 2 cán bộ này và cho thí sinh này thi lại môn thi ngay trong chiều nay. 3 trường hợp vừa qua, cho thấy cách xử lý đúng quy chế, đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết.
Sắp tới sẽ tập trung vào chấm thi tự luận và trắc nghiệm. Các hội đồng thi tiếp tục rà soát lại để chấm đảo bảo tiến độ, chính xác để 14/7 công bố kết quả thi.
27/06/2019 17:58
Đánh giá về tác động điểm mới đến kỳ thi THPT, ông Mai Văn Trinh cho rằng việc sắp xếp thí sinh tự do, làm tăng giám sát lẫn nhau, làm tăng tính trật tự nghiêm túc, không có sự lộn xộn như mọi năm.
Việc tăng cường vai trò của công an đến việc vận chuyển đề thi và camera giám sát, khiến bài thi được tuyệt đối bảo mật Thứ 3, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các trường thi rất yên tĩnh. Trong giờ phút này chưa có hiện tượng sử dụng phao thi. Đây là chuyển biến đáng ghi nhận.
“Chúng ta thấy rằng sự chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thể hiện rõ trên 63 tỉnh thành, đều được thực hiện đúng thời gian, không có khó khăn”- ông Trinh nhấn mạnh.
Về vấn đề không công bố đáp án ngay sau kỳ thi, ông Trinh thông tin, mục tiêu kỳ thi phải đặt vấn đề an toàn, nghiêm túc. Chấm thi tự luận sẽ triển khai các bước: đánh phách sẽ cách ly hoàn toàn; chấm 2 vòng độc lập; bốc thăm phiếu chấm và chấm thẩm định 5%. Ngay cả việc nhập kết quả bài thi Ngữ văn cũng sẽ nhập 2 vòng độc lập. Hội đồng thi nào nhập một lần sau đó nhân lên, phần mềm ở Bộ GD&ĐT sẽ phát hiện ra ngay.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, Bộ sẽ không công bố ngay đáp án mà sẽ công bố vào một thời điểm phù hợp nhằm đặt tính an toàn cho kỳ thi. Công tác thanh tra cũng sẽ đặc biệt chú trọng hơn nữa trong chấm thi trắc nghiệm. Ông Trinh khẳng định, Bộ không dung túng sai phạm, gian lận thi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tinh thần này ngấm vào phần lớn người làm thi. Khi đi tiếp túc thí sinh, thí sinh luôn bày tỏ mong muốn có được kỳ thi nghiêm túc. Vì thế, nếu có gian lận sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.
27/06/2019 18:00
Trả lời các câu hỏi việc các thiết bị các chức năng ghi không có chức năng phát là kênh giám sát cung cấp thông tin chống tiêu cực., ông Mai Văn Trinh cho rằng nếu sử dụng làm việc khác đều là không được. Việc sử dụng điện thoại đưa đề thi ra ngoài là vi phạm. Trong năm tới có cấm mang các thiết bị này sẽ được nghiên cứu thêm.
27/06/2019 18:01
Trả lời ý kiến băn khoăn của PV về việc sẽ có gian lận trong quá trình vận chuyển bài thi từ điểm thi đến nơi lưu trữ trước khi chấm, ông Mai Văn Trinh cho biết, việc truyền bài thi tại điểm thi được chuyển về nơi tập kết có sự giám sát của lực lượng an ninh. Phòng lưu trữ cũng có camera 24/24 và cũng có lực lượng an ninh bảo vệ thường trực. Thậm chí, còn có cả lực lượng hỗ trợ, bảo vệ từ vòng ngoài. Qua kiểm tra cho thấy các Hội đồng thi đang thực hiện tốt việc này.
27/06/2019 18:03
Liên quan đến câu hỏi đề dễ hơn năm ngoái, ông Mai Văn Trinh cho rằng, đề thi được đánh giá là dễ hơn, thì chúng ta nhìn nhận ở góc độ. Trước đây chúng ta có hai kì thi, THPT vào tháng 6 và kỳ thi đại học tháng 7.
Nay kỳ thi THPT quốc gia không phải phép cộng cơ học. Kết quả kì thi này để công nhận tốt nghiệp phổ thông và cơ sở để xét tuyển đại học. Từ năm 2015 đều đã sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Vì thế, xuất phát từ mục tiêu như vậy, đề thi vừa sức với tuyệt đại đa số học sinh để xét tuyển tốt nghiệp, vừa có câu hỏi phân hóa để xét tuyển vào đại học. Việc so sánh các môn khoa học xã hội dễ hơn các môn khoa học tự nhiên là không có cơ sở.
27/06/2019 18:09
Trước câu hỏi liệu có cần thiết phải đưa giảng viên ĐH đi làm thi xa như hiện nay không? GS. Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết để tạo điều kiện cho thí sinh, phụ huynh, cần có sự hỗ trợ, cố gắng của các trường ĐH. Việc này tạo nên sự phối hợp của địa phương và trường ĐH. Vừa tạo điều kiện vừa giám sát lẫn nhau để tạo nên một kỳ thi an toàn nghiêm túc.
27/06/2019 18:11
Nói về việc chấm thi năm nay, ông Mai Văn Trinh cho rằng, quy trình chấm thi trắc nghiệm năm nay với sự cải tiến của phần mềm, việc quyét bài thi hợp tquy trình. Máy quét túi bài thi 1. Đầu tiên, mở niêm phong, quyét ngay xong niêm xong lại bài thi và quyét túi tiếp theo. Ngay sau khi quét, dữ liệu đều được mã hoá. Phân mềm có chức năng thông minh, không cho người dùng can thiệp sửa lỗi. Chưa kể, năm nay đánh phách cũng không cho người chấm thấy mối liên hệ giữa phiếu chấm và thí sinh. “Các địa phương vẫn nên coi trọng công tác cán bộ vì con người vẫn là khâu cuối cùng thực hiện kỹ thuật”, ông Trinh nói. (N.H)
27/06/2019 18:27
Câu hỏi: Các đoàn thanh tra chấm thi năm nay có gì khác năm trước?
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Hữu Bằng cho hay đoàn thanh tra việc chấm thi của Bộ GD&ĐT ngay trong ngày hôm nay đã xuất quân và ngày mai sẽ bắt tay vào làm việc. Cụ thể, chúng tôi đã lập các đoàn thanh tra tại 63 hội đồng thi nhưng số lượng người tham gia nhiều hơn năm ngoái.
"Ngoài 2 cán bộ đến từ Trường ĐH như năm trước còn có thêm một cán bộ thanh tra từ Sở GD&ĐT nhưng cán bộ này không thanh tra trực tiếp tại địa phương mình.", ông Bằng nói.
Trước đó trả lời báo chí về công tác thanh tra kỳ thi, ông Bằng cho hay: Với 1980 điểm thi, theo chỉ đạo của Bộ, tại mỗi điểm thi ít nhất có 2 cán bộ làm công tác thanh tra, trong đó có một người của trường ĐH.
Sau kỳ thi năm ngoái, Bộ rút ra nhiều vấn đề thi nói chung và đã chỉ đạo sửa quy chế. Riêng về thanh tra, đã ra một yêu cầu rất quan trọng là cán bộ phải sâu sát, trực tiếp, liên tục và chịu trách nhiệm liên đới đối với sai phạm. Nếu mình không làm hết trách nhiệm, để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Bằng, trong kỳ thi Bộ có những đoàn thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, tại mỗi điểm thi đều đã có cán bộ cắm chốt. Người này độc lập với điểm trưởng để thực hiện nhiệm vụ thanh tra làm sao trong điểm thi đó từ điểm trưởng đến cán bộ coi thi, nhân viên bảo vệ đều làm đúng chức trách của mình. Bên cạnh đó, Bộ có những đoàn thanh tra lưu động, giám sát thanh tra để đảm bảo các trưởng đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
27/06/2019 18:30
Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1980 điểm thi với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.
Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%).
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,6%; Toán 99,53%; Vật lí: 99,6%; Hóa học: 99.56%; Sinh học: 99.66%; Ngoại Ngữ: 99.59%; Lịch sử: 99,48%; Địa lí: 99,54%; GDCD: 99,6%).
27/06/2019 18:35
Giải pháp kỹ thuật chấm thi năm nay có chống được gian lận?
Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về việc hạn chế gian lận khi chấm thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, với những thay đổi về mặt kĩ thuật năm nay, khả năng hạn chế được gian lận.
"Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét.
Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.
Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa.
Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.
Rút kinh nghiệm của kì thi năm 2018, năm nay camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm.
Có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
“Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay, theo quy trình kĩ thuật được tăng cường như hiện nay, không cho phép chỉnh sửa.
Nếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD&ĐT cấp một mã để vào sửa.
"Với giải pháp kĩ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực, tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy phải lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện", Ông Trinh nhấn mạnh.