Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng:

Không lệ thuộc bất cứ nước nào trong đầu tư giao thông

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
TPO - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 10/6 về thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp nhà nước của họ đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nếu đúng như vậy thì Trung Quốc tự làm khó cho doanh nghiệp của họ bởi Việt Nam không lệ thuộc bất cứ nước nào về thực hiện các dự án giao thông.

Thông tin Trung Quốc cấm DN đấu thầu mới dự án tại Việt Nam liệu có ảnh hưởng gì các dự án của ngành Giao thông tới đây? 

Thông tin này tôi mới đọc được trên báo chí, chưa có nguồn thông tin chính thức nào. Còn nói một cách tổng thể, Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư của Việt Nam có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. 

Tại Việt Nam có rất nhiều nhà đầu tư của các nước khác nhau chứ không chỉ có Trung Quốc vì Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, an ninh chính trị tốt, ổn định, thu hút được các nhà đầu tư nên có nhiều nhà đầu tư đến, trong đó các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc. 

Trong khi đó, Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế hội nhập nhưng phải đảm bảo độc lập tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào nên việc Trung Quốc cấm các DNNN của họ tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, nếu có, thì trước hết là họ bị thiệt vì họ vào đầu tư là cũng trên cơ sở hội nhập làm ăn, hai bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Làm như thế là tự anh làm khó anh, làm khó cho DN của anh vì như vậy là tự loại trừ đi một thị trường tốt. 

Còn với Việt Nam, việc này chẳng ảnh hưởng gì cả vì anh không tham gia thì các nhà thầu nước ngoài khác tham gia. Nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh, đủ lớn để thực hiện các dự án giao thông hiện nay vì thực ra, việc tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế thì ngành giao thông là tiếp cận tốt nhất. Như công nghệ làm cầu, đường của ta, giờ các nước tiên tiến, phát triển làm như nào thì ta cũng làm như vậy. 

Thực tế nhà thầu Trung Quốc luôn bỏ thầu với giá thấp nhất nên thắng thầu trong rất nhiều dự án giao thông, nhất là các dự án trọng điểm tại Việt Nam? 

Thực ra không phải là rất nhiều. Hiện có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam, trong đó đã thực hiện được gần một nửa, trong đó có dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu của họ được tham gia. 

Còn việc nhà thầu họ rút hay không thì hoàn toàn không phụ thuộc gì, không ảnh hưởng gì đến Việt Nam vì trước hết, nếu anh rút ra thì phần anh đang làm dở không thanh toán được. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn Trung Quốc. 

Bộ GTVT đã gặp chủ đầu tư dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chưa? 

Có rồi chứ, chúng tôi đã làm rồi. Dự án này là của đất nước mình chứ có phải của người ta đâu, người ta rút mình vẫn phải làm tiếp chứ. 

Ngoài nhà thầu Trung Quốc, các nhà thầu trong và ngoài nước đang có mặt tại Việt Nam có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án giao thông hiện nay?|

Trước hết là họ chỉ cho vay dự án ODA Cát Linh – Hà Đông nên chỉ có nguồn vốn của dự án này có khả năng bị ảnh hưởng thôi. Còn tất nhiên họ không cho vay tiếp thì chúng ta sẽ đi vay chỗ khác đề bù đắp, đảm bảo tiếp tục dự án. Còn với các dự án khác, khi họ chỉ là nhà thầu thuần túy thì bình thường, kể cả là Chính phủ anh không cấm mà làm không tốt thì chúng ta cũng đuổi. Bộ đã đang yêu cầu các nhà thầu hoàn thành tiến độ. Còn trường hợp nào đó anh dừng không sang thì chúng tôi tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương và sẽ mời các nhà thầu khác vào. 

Như tôi nói ở trên, Việt Nam đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhưng độc lập, không phụ thuộc bất cứ nước nào chứ không chỉ Trung Quốc, trên cơ sở hai bên cùng có lợi, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Trên cơ sở đó, nhà thầu Trung Quốc hay nhà thầu nước nào đó rút thì cũng có đơn vị khác thay thế. Chúng ta đã có cơ chế bảo vệ trước rồi vì đây là chủ trương của đất nước.

Xét về lợi ích thì DN của Trung Quốc hay của nước nào mang tiền ra nước ngoài đầu tư cũng đều muốn làm ăn ổn định. Liệu có chuyện sức ép đặt ra ở đây nên DN họ buộc phải rút, thưa Bộ trưởng? 

Chính các nhà thầu, DN Trung Quốc đều không muốn về, muốn tiếp tục ở Việt Nam làm ăn vì thực ra môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam là rất tốt, thuận lợi, đặc biệt là vì tình hình an ninh, chính trị ổn định. Hơn nữa, Việt Nam cũng rất chân thành, hữu nghị, hữu hảo và chính họ cũng nói với tôi là mong muốn như vậy nhưng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước. 

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định để việc nhà thầu Trung Quốc dù đưa ra giá rẻ nhưng cũng phải ràng buộc để không hẳn cứ rẻ là trúng thầu?

Hiện nay Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu sửa đổi, trong đó, tiêu chí giá rẻ không quyết định việc chọn nhà thầu mà còn phải xét về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ…

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam có điều kiện để tận dụng được nguồn vốn, công nghệ giá rẻ của Trung Quốc. Nếu Chính phủ Trung Quốc cấm DN của họ đấu thầu, đầu tư dự án tại Việt Nam thì chúng ta sẽ vì mất đi lợi thế đó, thưa Bộ trưởng?

Nguồn vốn của Trung Quốc chưa chắc đã rẻ vì người ta cho mình vay thì phải có lãi và mình cũng phải tính toán nếu thấy có lợi mình mới vay. Trên cơ sở mối quan hệ đôi bên cùng có lợi như vậy thì mình mới làm. Còn giờ, như tôi đã nói, người ta không cho vay nữa, người ta rút thì mình cũng sẵn sàng thôi, không ngại gì cả, mà không chỉ với nhà đầu tư Trung Quốc đâu, với tất cả các nhà đầu tư khác cũng vậy, mình phải chủ động chứ.

Cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.