Nhiều vấn đề được các ủy ban của Quốc hội đặt ra trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội.
Năng lực cạnh tranh thấp
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 14 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tỷ lệ lao động qua đào tạo). Mức tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Lĩnh vực an sinh xã hội cũng được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ tình hình sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch tái cơ cấu ở một số Bộ, ngành, địa phương cũng chưa đạt yêu cầu. “Một số quy định mới liên quan đến người lao động chưa tạo được sự đồng thuận cao, công tác truyền thông chưa tốt, để xảy ra ngừng việc tập thể đông người” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ giải pháp còn lại của năm 2015 được Chính phủ đề ra là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó tập trung điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại...
Nhượng quyền khai thác: cần tính toán thận trọng
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2015, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tăng trưởng chưa thực sự bền vững do tác động về giá dầu thô ở mức thấp. Tăng trưởng quý I đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá), trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp.
“Kỳ họp thứ 9 có vị trí đặc biệt quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp… Tôi trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung kỳ họp”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9
Một vấn đề đáng lo ngại được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu ra xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015. Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.
Về giải pháp trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải và giá dịch vụ khác. Đồng thời, phải xây dựng phương án ứng phó khi giá các mặt hàng như giá lương thực, giá dầu và giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng cao trở lại.
Đặc biệt để ngăn chặn tình trạng độc quyền, bảo đảm cho người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ với chi phí rẻ hơn, chất lượng tốt hơn Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thí điểm chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục và giao thông vận tải, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
“Việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, phải có tầm nhìn chiến lược và xây dựng đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt và không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp”, ông Giàu nhấn mạnh.
Đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình biển Đông
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho hay, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. “Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, báo cáo nêu rõ.
Trước đó, tại phiên họp trù bị cho ý kiến vào nội dung chương trình kỳ họp trước khi QH khai mạc, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung về việc Chính phủ báo cáo QH về tình hình Trung Quốc mở rộng đầu tư, xây dựng tại Gạc Ma. “Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc và QH chúng ta cần lên tiếng về vấn đề này”, ông Sơn đề nghị.
Trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho biết: Trước ý kiến đề xuất của các đại biểu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, QH đã ghi nhận đề xuất của đại biểu và sẽ tiếp thu, đưa vào chương trình kỳ họp. Theo đó, Chính phủ sẽ báo cáo trước QH tại một phiên họp chính thức về tình hình biển Đông.