Lang thang chữ

Không hẳn thích là dùng

Không hẳn thích là dùng
TP - Nhà văn Tô Hoài kể, có lần ông băn khoăn với chữ “áy” trong câu Kiều: Một vùng cỏ áy bóng tà / Gió hiu hiu thổi một và bông lau. Ông không hiểu chữ áy - nhiều bài viết thì cho rằng đó là một loại cỏ, cho đến ngày đi thực tế ở một vùng quê Thái Bình. Dân ở đấy gọi cái gì úa héo là áy, cỏ úa gọi là cỏ áy. Thế mới nhớ ra, quê ngoại Nguyễn Du ở Thái Bình. Quê nội thi hào ở Hà Tĩnh thì đã biết rồi, trong Truyện Kiều cũng có một số từ gốc Nghệ Tĩnh đã được giải mã.

Chữ áy này có nghệ sĩ không hiểu, khi lẩy Kiều, vẫn phát âm chệch sang thành cỏ ái. Nói sang bên lề một chút, một ca sĩ hát: Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều / Người bạn tôi trong nắng quá chiều (Áo mùa đông). Ca sĩ không biết rằng có chữ nắng quái. Gái thương chồng đương đông buổi chợ / Trai thương vợ nắng quái chiều hôm. Cái nắng cuối chiều nó gay gắt nó nóng bỏng đồng thời nó chợt lộng lẫy trước khi vụt tắt, nắng quái.


Trở lại cái chữ áy của Thái Bình thời xưa. Nó cho thấy rằng quê hương bản quán của nhà văn có khi in dấu trong chữ nghĩa. Nhà văn nào có ngôn ngữ ấy, nhà văn vùng nào có ngôn ngữ vùng ấy, tất nhiên là nên dùng đủ độ. Cũng như nhân vật nào có ngôn ngữ ấy, tùy thuộc vào thế hệ, tuổi tác, quê quán, học vấn, hoàn cảnh xuất thân… Không thể trong một tiểu thuyết mà già trẻ trai gái trí thức dân cày đều nói cùng một ngôn ngữ.

Đọc bản dịch Cái trống thiếc của nhà văn Gunter Grass, có nhân vật dùng từ “lai rai, chút đỉnh…”, tôi phải tìm bản đồ nước Đức, rà soát xem có phải nhân vật xuất thân từ miền Nam nước Đức và dịch giả chủ ý tạo không khí địa phương bằng phương ngữ miền Nam. Hóa ra không phải. Vậy chỉ có thể nói rằng dịch giả đã dùng nó như một thói quen. Thậm chí thấy một từ phương Nam thinh thích hay hay thì dùng mà thôi.

Một nhà văn viết: “Đi qua Giảng Võ, anh ta quẹo phải”. Đọc câu này người đọc có quyền nghĩ tác giả là người miền Nam. Thực ra tác giả đang ở Hà Nội và đang kể chuyện Hà Nội. Nhân vật cũng không phải người Nam để tác giả có thể tạo không khí bằng chữ quẹo. Tôi hỏi, tác giả ngụy biện: Chả sao, thấy cái chữ thích thì dùng thôi.

Ô, nhà văn không phải cứ thấy thích là dùng. Mặc dù ngồi trước trang giấy thì không còn quy phạm và anh có quyền tự do sáng tác.

Trừ khi trong tác phẩm có nhân vật miền Nam hoặc câu chuyện đang xảy ra trong khung cảnh Nam bộ, còn nếu đang kể một câu chuyện miền Bắc, tôi thường tránh những phương ngữ như thế này:

Càm ràm: cằn nhằn, càu nhàu, kèo nhèo.

Gạo cội: cứng cựa, kỳ cựu, già giơ, có đẳng cấp.

Lãng xẹt: nhạt nhẽo, loãng toẹt.

Bắt mắt: đẹp mắt, được mắt, vừa mắt.

Mãn nhãn: no mắt, ngon mắt, đẹp mắt, ưa nhìn.

Te tua: tơi tả, rách tướp, tan tác, tan tành.

Bự chảng: to tướng, to đùng.

Theo chiều ngược lại, ta thử xem ngôn ngữ trong tác phẩm của một vài cây viết phương Nam, miền Bắc gọi là cây bút. Nhân vật ở Nam bộ mà dùng những lời: hay nhỉ, thế đấy, cánh phụ nữ chúng tôi…

Ngôn ngữ trong tác phẩm cũng là nơi để tác giả in dấu ấn của mình vào. Dấu ấn ấy không chỉ là ý thích ngẫu nhiên của tác giả, theo kiểu thấy thích thì dùng, mà còn phải là dấu ấn có ý thức. Khi giải mã tác phẩm, người đọc có thể giải mã được không chỉ tư tưởng, thẩm mỹ mà cả hồn cốt lai lịch của tác giả. Cũng có khi cuộc giải mã ấy bằng không, nếu như tác giả chủ ý đánh lạc hướng.

Nhiều trường hợp, tôi không tin là tác giả có dụng ý. Không hiểu nghĩa gốc của từ, không hiểu lai lịch của từ, lại bị ngập trong dòng ngôn ngữ báo chí, đặc biệt báo chí phương Nam đang thời thượng. Lý do này nhiều hơn.


MỚI - NÓNG