Lang thang chữ

Trái ngược

Trái ngược
TP - Tiếng Việt nhiều khi có đối nghịch ngay trong một từ ghép. Buồn cười. Đã buồn sao còn cười. Tức cười. Đã tức sao còn cười. Ấy thế, mấy chữ ấy đều chỉ một tâm trạng là muốn cười trước một điều gì đó, trước một ai đó.

Ngã một cái, bẩn sạch cả rồi. Bẩn sạch. Đã bẩn thì sao còn sạch được. Sạch ở đây chắc ai cũng hiểu không phải là sạch sẽ. Sạch nhẵn, không còn một chút gì sót lại. Sạch nhẵn như chùi. Ngôn ngữ phương Nam vẫn dùng là sạch bách.

Phương ngữ Bắc Bộ có từ ráo, tức là khô ráo. Nhưng ráo cũng có nghĩa là toàn bộ, là hết lượt. Hình như chữ ráo trọi của phương Nam cũng là như vậy. Hổng biết chi ráo trọi. Chẳng biết cái gì hết. Đưa đẩy một tí để dẫn đến câu này: gặp mưa giữa đường, ướt ráo cả rồi. Ướt ráo. Đã ướt lại còn ráo.

Cũng như vậy là câu: đò chìm, may không ai chết, sống tiệt. Đã sống lại còn tiệt. Nhưng mà đấy là một cách nói ở nông thôn Bắc Bộ, có nghĩa là tất cả đều còn sống. Yên tâm.

Nói sang chuyện thực phẩm, chữ và nghĩa nhiều khi cũng không khớp với nhau: gọi là bánh giò, nhưng trong ấy không có giò, chỉ là nhân thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Bún chả thì đâu có phải là miếng chả miếng giò mà là thịt lợn nướng. Món chả cá cũng vậy, đâu phải là cá xay nhuyễn làm thành miếng chả rán, nó chỉ là cá hấp đem rán sơ trên chảo mỡ sùng sục, ăn với mắm tôm, cái thức ăn có lẽ vừa miệng người vùng sâu vùng xa đến Hà Nội, chứ bản thân người Hà Nội chẳng mấy khi khoái khẩu.

Lại có những khái niệm dường như bị đảo ngược: người đồng bằng Bắc Bộ gọi xôi lúa, thành phần chủ yếu là ngô đồ lên, rất ít nếp ít lúa trong ấy. Cùng lúc, khi người ta gọi xôi ngô, thì trong ấy nếp nhiều hơn là ngô. Cứ nhớ là hai chữ này đảo ngược cho nhau, không bao giờ bị lẫn. Yên tâm.

Thiếu tự nhiên

Sau chữ yên tâm, đúng ra phải có dấu chấm than, hàm ý hãy yên tâm. Một câu an ủi, một mệnh lệnh thức. Đúng ra là vậy, nhưng tôi thì không dùng, ít ra là trong hệ thống ngôn ngữ của tôi.

Bản thân chữ yên tâm đứng một mình thành một câu, ngắn gọn, khô, đủ toát ra ý nhắc nhở, an ủi, kêu gọi. Đủ rồi. Không cần thêm dấu chấm than làm gì.

Tôi vẫn ngại cái dấu này. Mạch văn đang tự nhiên, không khí văn đang tự nhiên, văn cảnh đang tự nhiên. Bất đồ đánh vào đấy một cái dấu chấm than như một mệnh lệnh đanh thép, như một cảm thán trời hỡi trời ơi, như một cảm xúc lâm li, như tiếng gào tiếng thét. Hết. Hết luôn một không khí tự nhiên dung dị.

Trời ơi! Em không ngờ lại gặp anh ở đây! Em nghe tin anh đã chết! Em mừng quá! Em sung sướng quá! Anh! Anh của em! Em đây! Em của anh đây!

Ghê chưa (sau chữ ghê chưa này đúng ra phải có dấu chấm than). Cả một rừng dấu như mũi mác chĩa lên trời. Như hàng rào cọc nhọn chĩa lên trời. Tua tủa. Nó làm rối mắt rối trí. Nó làm cho người nhạy cảm bỗng thấy ngượng thay cho người viết.

Cứ thử bỏ toàn bộ dấu chấm than ấy đi mà xem. Hiệu quả ngôn từ sẽ không hao hụt. Bỏ dấu đi, nhiều khi cũng là chủ ý của người viết, giảm đi tính căng thẳng, tính cường điệu, tính khoa trương, tính ồn ào. Bỏ dấu đi, nhiều khi cũng là giảm sự phô lộ, đưa người đọc chìm xuống một chiều sâu chữ nghĩa, ở nơi đang ẩn giấu những mạch ngầm.

Không khác lắm, nhiều người nghiện dấu ngoặc đơn ngoặc kép, nghiện những dấu gạch ngang. Nghiện đến mức lạm dụng, làm rối mắt và rối trí, mà hiệu quả câu văn cũng chẳng hơn, nếu như không nói là suy giảm.

Ta đang nói chuyện ngôn ngữ mang tính nghệ thuật. Ta hoàn toàn không tuyên truyền cho sự triệt tiêu dấu chấm than, cũng không triệt tiêu một số dấu khác trong trường học, nơi học sinh đang tập làm văn.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.