Viettel :Top 5 nhà sản xuất viễn thông thế giới
Trong số các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.loại trừ những “quả đấm thép” vang bóng một thời nay tan chảy, đếm đầu ngón tay, hiện còn khá ít những DNNN “khủng” vẫn giữ phong độ, thậm chí liên tục phát triển. Kể đến đầu tiên, là “người khổng lồ” Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel với kỷ lục lợi nhuận tới gần 40.000 tỷ và liên tục đứng vị trí số 1 trong số Top 10 Doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cho ngân sách Nhà nước những năm gần đây.
Vietel là ai? Hẳn tất cả còn nhớ Viettel bắt đầu làm viễn thông từ con số O, đi qua một loạt những dấu mốc đầu tiên và kỷ lục của ngành, để trở thành người khổng lồ ở Việt Nam và vươn tầm ảnh hưởng ra quốc tế. Nói về Viettel, người ta nhắc nhiều đến ý chí và kỷ luật của một doanh nghiệp xuất thân từ quân đội. Nhưng, trên hết, sự kịp thời, nắm đúng thời cơ, chuyển đổi nhanh, tạo áp lực tích cực đã biến một doanh nghiệp nhỏ với số vốn chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng vào năm 1989 trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.
“Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Diễn đàn kinh tế tư nhân 5/2019)
Lần giở lại lịch sử, năm 2000, Viettel ra mắt đầu số 178 trên nền dịch vụ VoIP, đánh dấu bước chuyển mình của ngành viễn thông Việt Nam. Đến năm 2005, mạng Internet của Viettel được mở rộng ra toàn quốc. Năm 2006, Viettel bắt đầu nghĩ đến việc đi ra nước ngoài.
Suốt từ năm 2009 đến năm 2018, Viettel liên tục mở rộng thị trường quốc tế với việc triển khai hoạt động từ châu Á đến châu Phi và Mỹ Latinh. 10 công ty mang thương hiệu của Viettel đang hoạt động trên 3 châu lục. Trong đó, ở 5 thị trường, công ty con của Viettel đang đứng ở vị trí hàng đầu về thị phần thuê bao, doanh thu, và lợi nhuận: Campuchia, Lào, Burundi, Đông Timor, Mozambique.
Sau 10 năm khởi động và triển khai, Viettel đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi, như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, đang nghiên cứu thiết bị phát sóng 5G…, đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và lọt top 50 thương hiệu viễn thông đắt giá nhất hành tinh.
Vietcombank: Cuộc đổ bộ “tiếm ngôi” Ngân hàng số 1
Tại bảng công bố Top 10 Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam 2018, nếu vị trí đương kim vô địch vẫn thuộc Viettel thì trong Top 10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được biết đến như “ông lớn” nhà nước thứ 2 có mặt (xếp vị trí thứ 4).
Với lợi nhuận “khủng” hơn 18.000 tỷ năm 2018 (chắn chắn đạt gần 20.000 tỷ năm 2019), Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành không giấu tham vọng Vietcombank sẽ lập cú “hacktrick” phá kỷ lục lợi nhuận cao nhất khối nhà băng và cán đích lãi 1 tỷ USD vào năm 2020 tới. “Mục tiêu này trong tầm tay và Vietcombank sẽ vượt qua, trở thành ngân hàng lợi nhuận tỷ đô”, ông Thành khẳng định.
Thực ra, ít tai biết, quãng đầu những năm 2010, Vietcombank từng “ngủ quên” khi “trấn” giữ mảng ngon nhất trong kinh doanh nhà băng là thế mạnh về ngoại hối. (khi đó dù trong Top 4 ngân hàng nhưng tổng tài sản và lợi nhuận của Vietcombank vẫn cách xa so với hai ông lớn là VietinBank và BIDV).
Rất may, cách đây chừng hơn 6 năm, Vietcombank kịp thời nhận ra và lên kế hoạch rốt ráo chuyển mình. Không chỉ tái cơ cấu thành công, mang đến một diện mạo mới trong hoạt động, Vietcombank còn chọn lối đi khôn ngoan khi liên tục đột phá mũi nhọn về tín dụng, chủ động tìm kiếm đến với khách hàng tốt, mở rộng chi nhánh mạng lưới thị phần.
Đặc biệt, với cơ chế kiểm soát rủi ro chặt, Vietcombank nhanh chóng trở thành ngân hàng “sạch sẽ” có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất ngành. Đồng thời là ngân hàng đầu tiên cán đích mua lại nợ xấu của chính mình với trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thậm chí cao hơn quy định.
Những ngày này, thị trường tài chính xôn xao với việc WD Group, Tập đoàn của tỷ phú Richard Li (Hong Kong) sẽ ký thoả thuận phân phối bảo hiểm khoảng 400 triệu USD với Vietcombank. Dự kiến mối lương duyên này sẽ đem về cho Vietcombank một khoản tiền khủng có thể lấy làm thặng dư tăng vốn.
Không dừng lại, năm 2019 này, ngoài mở ngân hàng con tại Lào, Vietcombank đang dự định sẽ tiếp tục đặt chân đến những “miền đất mới” bên kia bán cầu như: ra mắt Văn phòng đại diện tại New York (Mỹ); chi nhánh ngân hàng tại Australia. Hiện ngân hàng đã đặt mục tiêu trong Top khu vực và để 2030 đặt chân vào Top các nhà băng lớn nhất trên thế giới.
Vingroup: Sự trỗi dậy của Tập đoàn tư nhân
Ngày 16/1/2019, Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2019 được công bố. Trong top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc như Tập đoàn Vingroup, Vinamilk hay Masan,... Ông chủ tỷ phú đô la - Phạm Nhật Vượng cũng tiếp tục được Fobes bình chọn trong danh sách tỷ phú thế giới và đứng số 1 Việt Nam.
Thành lập tháng 5/2002 với vốn điều lệ 196 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, sau 17 năm, tính đến ngày 30/6/2018, Vingroup đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam có tổng tài sản 242.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD.
Năm 2019, Vingroup cũng trở thành cái tên đáng chú ý nhất trên truyền thông với hàng loạt những bước chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng một tập đoàn về khoa học công nghệ và trí tuệ thông minh với các thương hiệu mới như VinFast, VinSmart,....
Bên cạnh lĩnh vực trọng tâm là bất động sản với hệ thống dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê trải khắp cả nước mang thương hiệu Vinhomes, Vincom, Vincity, Tập đoàn này còn có các đơn vị thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Có thể thấy, hệ sinh thái của Vingroup đã và đang đáp ứng gần như hoàn chỉnh mọi nhu cầu của cộng đồng dân cư.
Tuy vậy, tham vọng mở rộng của Vingroup chưa có dấu hiệu dừng lại khi Ban lãnh đạo Tập đoàn mong muốn trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, với kế hoạch bước chân vào nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm, nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới…
Còn với việc ra mắt xe ô tô Vinfast bằng dự án đầu tư nhà máy sản xuất ô tô quy mô 3,5 tỷ USD, Tập đoàn này đang chinh phục mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á đến năm 2025.Xét đến thời điểm này, Vingroup thực sự mang tầm vóc của “người khổng lồ”, tập đoàn tư nhân xếp vị trí số 1 Việt Nam.
Trường Hải, Masan, Hòa Phát: Những người hùng mới
Sẽ không công bằng nếu chỉ lấy 3-4 tên tuổi tiêu biểu trong số các Tập đoàn Tổng, Ngân hàng, Tổng công ty nhà nước hay tư nhân để minh họa cho bức tranh đang vươn lên của các doanh nghiệp Việt.
Bởi như nhắc đến DNNN, ngoài Viettel, Vietcombank, những ông lớn khác như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản hay các ngân hàng BIDV, VietinBank vẫn giữ vai trò đáng kể. Còn vài năm lại đây, lọt vào Top các tỷ phú thế giới (do Fobes bình chọn) Việt Nam cũng đang nổi lên nhiều gương mặt mới đang dày lên thành tích và tổng tài sản.
Ngoài doanh nhân Phạm Nhật Vượng, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, còn có những tên tuổi như: ông Phạm Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ô tô Trường Hải, ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Thép Hoà Phát.
Hay gần đây nhất, doanh nhân được nhắc tới nhiều ông Đỗ Minh Phú, nguyên chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (nay đã chuyển giao cho thế hệ con ) và hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank - người vừa được tạp chí nước ngoài bình chọn là doanh nhân xuất sắc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Nhắc đến “ông chủ” của Trường Hải Phạm Bá Dương, là nhắc đến “đế chế” ông vua ô tô Việt thành công trong cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI cùng lĩnh vực. Công ty CP ô tô Trường Hải ra đời vào năm 1997 tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai.
Sau 17 năm hình thành và phát triển, Thaco hiện có khoảng 7.550 nhân sự, được điều hành bởi 5 văn phòng quản trị đặt tại TPHCM, Biên Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng và Chu Lai. Hiện nay, Thaco đã trở thành một trong những công ty phát triển hàng đầu tại Việt Nam, là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất và lắp ráp đầy đủ 3 dòng xe: du lịch, xe tải và xe bus với tỉ lệ nội địa hóa từ 16% - 46%, đem lại cho người dân Việt Nam những sản phẩm ôtô đa dạng, chất lượng giá cả hợp lý.
Còn tỷ phú Việt được Fobes đưa vào danh sách, ông Nguyễn Đăng Quang lại nổi lên trong giới doanh nhân với tư duy “ăn chắc mặc bền” và chọn lối đi sản xuất thay vì đầu tư tài chính. “Tập đoàn Masan là một trong những công ty hàng đầu trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam và chúng tôi tin tưởng vào triết lí “Doing well by doing good”. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho hơn 90 triệu người Việt Nam, đồng thời giúp họ chi trả ít hơn cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mình”, ông Quang từng chia sẻ.
Với việc sở hữu chuỗi gần 40 nhà máy sản xuất theo hệ sinh thái khép kín từ nông trại tới bàn ăn, hiện các công ty con và công ty liên kết của Masan hoạt động trong các ngành gồm thực phẩm và đồ uống, chuỗi giá trị thịt và dịch vụ tài chính chiếm 50% chi phí tiêu dùng của người tiêu dùng.
Năm 2019, đột phá với nhà máy sản xuất thịt lợn công suất 1.000 tấn/năm cung cấp cho thị trường Hà Nội tại Hà Nam, Masan đang dự kiến sẽ xây thêm một nhà máy mới tại phía Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường tiềm năng.
Ngày xưa oai phong lẫm liệt, mỗi một Tập đoàn, Tổng công ty doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một “đặc quyền, đặc lợi”. Còn nay, khi kinh tế tư nhân bùng nổ, nói như nhiều chuyên gia, các “ông lớn” Nhà nước lại quay sang ước ao được “sau một nốt nhạc” tự chủ quyết các vấn đề. Nhưng xét đến cùng, như giới doanh nhân vốn nhận xét: đã là doanh nghiệp, ông nào hoạt động cũng vì một mục tiêu: trụ vững và phát triển.
Nói về sứ mệnh và tầm nhìn của giới doanh nhân Việt, chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng ngoài những cái tên vốn đình đám, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt đáng nể vì họ làm thực sự và có nghề.
Theo ông Hưng, đã đến lúc Chính phủ nên nhận đơn đặt hàng của doanh nhân để họ phát triển có nghề vì kinh tế đất nước. “Muốn nghĩ đến cái gì tầm vóc thì chúng ta phải gieo hạt từ bây giờ. Khi đó, mười, hai mươi năm nữa mới có những sản phẩm Quốc gia”, ông Hưng khẳng định.
Kinh tế tư nhân (KTTN) đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu các thành phần kinh tế của Việt Nam, sử dụng 83,6% tổng số lao động, đóng góp 37,99% GDP so với 28,63% của khu vực kinh tế nhà nước… Điều đó cho thấy những đóng góp của khối KTTN rất lớn, có nhiều tiềm năng và cần tiếp tục được tạo thêm điều kiện phát triển.
Ở họ, những tỷ phú USD đã được Fobes bình chọn hoặc đang vươn lên tầm doanh nhân khu vực có gì đặc biệt? Điểm chung dễ thấy, đó là họ luôn có suy nghĩ khác người, luôn ấp ủ trong bản thân tư duy “ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, và ngày mai phải hơn chính ngày hôm nay”.Chính khao khát vươn lên mạnh mẽ đó đã khiến những doanh nghiệp “con đẻ” của họ luôn tăng trưởng thần tốc, đột phá vượt qua chính mình. Nhưng đáng nể hơn, đó là tư duy và tầm nhìn đáng kinh ngạc của những doanh nhân này.