Kéo giảm giá thuốc
Trước đó, từ 25/10/2018, BHXH Việt Nam chính thức thực hiện mở thầu các gói thầu lựa chọn nhà cung cấp thuốc BHYT năm 2019-2020, thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia lần thứ 2 do ngành BHXH thí điểm. Lần đấu thầu thuốc này được mở rộng với 14 hoạt chất, tương đương 120 mặt hàng thuốc, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc tại 1.558 cơ sở y tế trên toàn quốc. Tổng giá trị các gói thầu xấp xỉ 5% chi phí thuốc thanh toán BHYT năm 2017.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, danh mục thuốc đấu thầu tập trung năm nay sẽ mở rộng hơn lần đấu thầu đầu tiên vào năm 2017. BHXH Việt Nam cũng đặt mục tiêu, qua đấu thầu tập trung tiếp tục kéo giảm giá thuốc so với giá thuốc hiện hành. “Do đấu thầu tập trung toàn quốc nên số thuốc cung cấp lớn, năm trước sau đấu thầu ở thời điểm đầu triển khai có hiện tượng cung ứng thuốc của đơn vị trúng thầu gặp chút trục trặc, gián đoạn. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã xử lý ngay, nên sau đó không còn xảy ra vướng mắc. Năm nay, sau đấu thầu chúng tôi sẽ quan tâm tới vấn đề này, để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, liên tục, dù đấu thầu tập trung hay hình thức khác”, ông Ánh nói.
Lãnh đạo Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện các bộ phận liên quan đang xem xét hồ sơ các nhà thầu, chấm thầu nên chưa có thông tin kết quả để công bố. Sau khi có kết quả đấu thầu, BHXH Việt Nam sẽ công bố công khai và hướng dẫn các cơ sở y tế dự toán nhu cầu sử dụng thuốc, ký hợp đồng với nhà cung ứng thuốc và điều tiết thuốc giữa các bệnh viện, khu vực với nhau. Theo lãnh đạo trên, vừa qua có hiện tượng một số cơ sở y tế thiếu một số loại thuốc trong khám chữa bệnh BHYT, điều này chủ yếu do các bệnh viện lập kế hoạch, dự tính nhu cầu thuốc chưa sát thực tế. Do vậy, năm nay, trong quá trình thực hiện cung ứng thuốc, BHXH Việt Nam sẽ theo dõi sát quá trình thực hiện cung ứng thuốc, để kịp thời có hướng xử lý.
BHXH Việt Nam cho hay, quy mô đấu thầu thuốc tập trung quốc gia lần này trải rộng khắp 62 tỉnh thành cả nước. Hiện có 72 nhà thầu thuốc tham gia, với giá trị gói thầu gấp 10 lần và khối lượng hồ sơ thầu gấp 3 lần so với lần đấu thầu năm 2017. Với trách nhiệm của đơn vị mời thầu, chủ đầu tư, BHXH Việt Nam cam kết thực hiện đấu thầu minh bạch, lành mạnh, cạnh tranh cao. Sau đấu thầu sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị trúng thầu trong quá trình cung ứng, theo dõi thanh toán thuốc BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng dự kiến triển khai hệ thống theo dõi cung ứng và thanh toán thuốc BHYT, để đảm bảo các nhà thầu cũng như các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận khung, cũng như trong hợp đồng đã ký.
Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT
Về số tiền Quỹ BHYT còn kết dư gần 39.000 tỷ đồng (tới hết năm 2017), ông Đào Việt Ánh cho hay, đây thực chất là số Quỹ BHYT dự phòng nhiều năm qua cộng dồn. Vì theo Luật BHYT, hàng năm Quỹ BHYT phải dành 5% tổng số thu để dự phòng. Trên thực tế, vài năm gần đây, số chi Quỹ BHYT hàng năm đã vượt số thu, dẫn tới bội chi. “Dù Quỹ BHYT kết dư hay bội chi, quyền lợi khám chữa bệnh của người dân và cơ sở y tế vẫn được đảm bảo đúng quy định”, ông Ánh khẳng định.
Theo ông Ánh, Quỹ BHYT dự phòng, theo luật, sẽ dùng khi có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Hiện Quỹ BHYT đang bội chi, nếu không sử dụng quỹ hợp lý sẽ không còn nguồn để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Khi Quỹ BHYT dự phòng cũng không còn, sẽ phải tính tới việc tăng mức đóng BHYT. “Nếu tăng mức đóng BHYT sẽ tác động trực tiếp lên người dân, người lao động, chi phí doanh nghiệp, cân đối của ngân sách nhà nước, môi trường cạnh tranh quốc gia. Do đó, BHXH Việt Nam đã có các kiến nghị Chính phủ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả, cân nhắc khi điều chỉnh các chính sách liên quan. Từ nay tới năm 2020 sẽ giữ ổn định quỹ và mức đóng BHYT hiện nay”, ông Ánh nói. Theo đó, hiện một số chi phí vẫn chưa tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong khi lộ trình vẫn tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế. Do đó, nếu Quỹ BHYT không còn dự phòng sẽ rất khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT toàn dân và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ y tế.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, số tiền 39.000 tỷ Quỹ BHYT dự phòng thấy lớn, nhưng so với tổng số chi BHYT hàng năm không phải nhiều. Hiện bình quân mỗi năm tổng chi Quỹ BHYT thành toán khám chữa bệnh khoảng 90.000 tỷ đồng, năm 2017 bội chi quỹ khoảng 18.000 tỷ đồng, dự kiến bội chi năm nay còn lớn hơn.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cung cấp, hiện mức đóng BHYT của Việt Nam khoảng 1 triệu đồng/thẻ BHYT, trong khi bình quân chi là 1,1 triệu đồng/thẻ/năm. Danh mục thuốc BHYT thanh toán bình quân các nước trên thế giới chỉ khoảng 700 loại, nhưng danh mục của Việt Nam khoảng 1.000 loại. “Mức đóng BHYT của Việt Nam thấp hơn bình quân thế giới, nhưng Việt Nam lại là 1 trong những nước có danh mục thuốc thanh toán BHYT rộng nhất”, ông Ánh nói thêm.
Cuối năm 2017, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công đấu thầu thuốc tập trung quốc gia lần đầu tiên, áp dụng cho cung cấp thuốc năm 2018. Kết quả, với tổng giá trị của 20 mặt hàng trúng thầu là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15% (tương ứng tiết kiệm số tiền trên 251 tỷ đồng). Trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3 - 42,8%, một mặt hàng thuốc nhóm 5 giảm tới 54,7% so với giá trúng thầu thuốc áp dụng 2017.