Quy định cứng số lượng Thứ trưởng
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, lâu nay chế độ trách nhiệm công vụ của ta chưa rõ ràng. Ví dụ, hàng gian, hàng lậu, trách nhiệm của Chính phủ, địa phương đến đâu, khó phân định. Luật phải làm rõ trách nhiệm thì mới cải cách hành chính được. Công vụ phải rành mạch, một việc chỉ để một cấp làm.
Cấp trên chỉ thanh tra, kiểm tra chứ không đi làm thay, làm hộ cấp dưới. “Luật phải chế định chặt chẽ hơn, Chính phủ muốn "đẻ" thêm chức, thêm ghế cũng không được. Nhưng vừa qua dễ dãi quá, "đẻ" vô tội vạ, thậm chí "đẻ" cả ghế không có thật nhưng chế độ, phụ cấp lại là thật. Các nước không bao giờ có chuyện ấy. Chúng tôi đi làm việc với họ thấy một trường đại học công lập, khi ngân sách chưa duyệt thì một chỗ cũng không thể thêm được", ông Lịch nói.
"Nhiệm vụ của Thủ tướng quá nhiều, tôi đọc thấy miên man, chưa kể còn nhiều việc ghi ở các luật khác nữa. Cần cân đối, sắp xếp lại, đồng thời phải quy định để Thủ tướng có quyền bổ nhiệm, cách chức người dưới quyền".
ĐB Trần Thị Quốc Khánh
Một số ĐB góp ý, Luật Tổ chức Chính phủ cần được thiết kế sao cho nhìn vào có thể thấy rõ mô hình Chính phủ, bộ, ngành; quan trọng hơn là rõ chức năng, trách nhiệm của từng đầu mối. Không nên để nhiều bộ, ngành cùng quản lý một lĩnh vực, khi truy trách nhiệm lại chẳng thấy có ai chịu trách nhiệm. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) mong muốn, Chính phủ phải gọn nhẹ, năng động, số lượng, tên gọi các bộ phải quy định cứng trong luật. Chức năng của các bộ phải thật rõ - phải chịu trách nhiệm chính về một lĩnh vực nào đó.
“Hôm trước tôi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về lạm phát cấp phó. Bộ trưởng nói đã làm hết trách nhiệm của mình. Nhưng để tình trạng như vậy thì phải có địa chỉ chịu trách nhiệm. Theo tôi, Luật cần làm rõ quyền hạn của Thủ tướng. Những vấn đề hệ trọng, Thủ tướng phải quyết và chịu trách nhiệm trước dân”, ĐB An kiến nghị. Đồng tình với nhận định này, ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng, nên quy định cứng số cấp phó, thứ trưởng tại các bộ, ngành. Trước đây, chúng ta giao Chính phủ quy định, sau một thời gian số cấp phó tại các bộ tăng nhiều. Lần này, phải quy định số thứ trưởng trong Luật, nếu tăng thêm, không nên tăng quá một thứ trưởng.
Tăng quyền cho Thủ tướng
Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu Chính phủ, các ĐB kiến nghị Luật nên giao thêm quyền cho Thủ tướng. Những vấn đề quan trọng, kể cả nhân sự, Thủ tướng cũng phải có quyền quyết đáp. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nhưng cần làm rõ quyền của Thủ tướng được quyết trong những trường hợp nào, trường hợp nào thì tập thể quyết định. Dẫn chứng việc cấp phép dự án tại yết hầu đèo Hải Vân gây dư luận gần đây, ĐB Nghĩa kiến nghị: “Khi có dấu hiệu vi phạm, ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, nhân dân, Thủ tướng có quyền ra quyết định đình chỉ đối với những dự án do Chủ tịch UBND các địa phương cấp phép”.
Đề cập quyền hạn của Thủ tướng trong Luật, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, có đại biểu nói phần việc của Thủ tướng quá nhiều, kể ra 4 trang không hết. “Phải làm nhiều việc như thế thì chết. Giao quá nhiều việc cụ thể thì Thủ tướng không làm được việc lớn. Thủ tướng phải là người lãnh đạo chứ không phải người làm quản lý”, ông Thạch nhìn nhận.Không để cơ quan “siêu bộ”
Phát biểu về cơ quan Văn phòng Chính phủ, ĐB Trịnh Ngọc Thạch nói ông “rất băn khoăn”, cảm giác đây là cơ quan “siêu bộ”. “Văn phòng Chính phủ cần gọn nhẹ hơn, vì thực chất đó là văn phòng của Thủ tướng”, ông Thạch nói và dẫn chứng: Trình đề án thành lập một trường đại học, 5 - 6 bộ thẩm định xong rồi, lên đó lại thẩm định lại, mất thêm một năm nữa, rất mất thời giờ. Có khi 3 - 4 năm trời mới xong một trường đại học, xong thì lĩnh vực ấy lại không cần đến nữa.
“Nói tóm lại, Luật này còn ít phân cấp, phân quyền, còn ôm đồm quá, nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở để lách luật”, ông Thạch nhận định.