Theo ĐB Bùi Thị An, con số mà Bộ trưởng nêu ra là cấp phó ở Tổng cục bình quân là 3,69 (quy định là 3), ở cấp vụ là 3,04 (quy định là 3) và cấp sở 3,06 (quy định cũng là 3) chưa khiến tôi an tâm và tin tưởng. Tôi nghĩ rằng cần phải rà soát xem lại số liệu trên có đúng không. Bộ Nội vụ cũng nên công khai danh sách số lượng cấp phó cụ thể ở từng cục, vụ lên mạng để nhân dân và đại biểu giám sát xem thực hư ra sao.
Để xảy ra tình trạng “lạm phát cấp phó” có phải do Bộ Nội vụ chưa làm tốt trách nhiệm trong công tác “gác cổng” về bổ nhiệm cán bộ, thưa bà?
Tôi chia sẻ với khó khăn của Bộ trưởng trong việc xử lý vấn đề này. Bởi như cấp thứ trưởng thì bộ cũng chỉ có chức năng tham mưu thôi. Nhưng tham mưu thì cũng có quyền của tham mưu. Anh hoàn toàn có quyền nói với cấp trên rằng đơn vị đó hiện có quá nhiều cấp phó rồi, không nên bổ nhiệm thêm nữa. Ngày mai tôi sẽ tiếp tục chất vấn Thủ tướng về vấn đề “lạm phát cấp phó”, đặc biệt là việc lạm phát cấp thứ trưởng ở các bộ, ngành.
Bà nghĩ sao khi Bộ trưởng nói là bổ nhiệm nhiều cấp phó là để đi họp?
Với cải cách hành chính hiện nay thì ngồi một chỗ cũng có thể họp được và cũng không nhất thiết là lãnh đạo phải đi đến tất cả các cuộc họp. Chứ đề bạt lên rồi suốt ngày để đi họp là không ổn, cần phải xem lại. Có người còn nói với tôi rằng, những cá nhân được bổ nhiệm “cấp phó ngoại lệ”, ngoài quy định được gọi là “hàng hiếm”. Vì là “hàng hiếm” nên phải chạy, phải mua và sau khi chạy thành công rồi thì họ lại tìm đủ mọi cách để thu hồi vốn, lại tiếp tay cho những người khác chạy. Cứ như thế, nó làm cho bộ máy cấp phó ngày càng phình to, không phanh lại được.
Cảm ơn bà.