Quyền hạn của Thủ tướng

Quyền hạn của Thủ tướng
TP - Ngày 7/11, thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, đề nghị quy định rõ quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ. Phải có quy định, để làm sao Thủ tướng không cảm thấy bị khó, ràng buộc rồi dẫn nguyên nhân cơ chế, khi bộ máy của Chính phủ vận hành không tốt.

Theo bà Tâm, trong quá trình vận hành, nếu bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đình chỉ công tác. Nếu đình chỉ không đúng, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mới hạn chế tình trạng Thủ tướng không có quyền làm gì, khi bộ máy của mình trì trệ, không làm được việc. Dù công tác cán bộ vẫn phải đưa ra tập thể, nhưng cần có cơ chế để Thủ tướng đình chỉ cán bộ, trong khi chờ tập thể xem xét, quyết định. Đồng thời, cần giao cho Thủ tướng quyền đề xuất bổ nhiệm cán bộ. Cơ chế cán bộ hiện nay cũng cần phải được đánh giá lại, để xảy ra trì trệ phải có người chịu trách nhiệm. Khi trao cho Thủ tướng quyền đề xuất bổ nhiệm cán bộ, đình chỉ cán bộ thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm về bộ máy của mình.

Nhấn mạnh vấn đề chế độ trách nhiệm, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) và một số ý kiến nhận xét, hiện nay rất khó xác định rõ trách nhiệm của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Vì vậy, luật cần có quy định làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, tránh tình trạng có những sự việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm. Hoặc có khi có những việc rất nhỏ, nhưng các bộ lại đùn đẩy trách nhiệm, đẩy lên để Thủ tướng phải giải quyết.

MỚI - NÓNG