Không để thế lực thù địch phá hoại bầu cử

Không để thế lực thù địch phá hoại bầu cử
TP - Sáng 18/5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp phiên thứ 5 để xem xét, thảo luận một số nội dung cho công tác bầu cử ngày 22/5 tới.

Báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử. Đặc biệt cần kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được tiến hành theo đúng quy định và tiến độ kế hoạch đề ra. 

“Từ hôm nay tới ngày bầu cử chỉ còn bốn ngày, đây là thời điểm đặc biệt quan trọng, thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ban ngành Trung ương và cơ quan liên quan tích cực, chủ động triển khai tất cả công việc lãnh đạo, chỉ đạo để chúng ta triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội của toàn dân”, bà Ngân nói.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, vào thời điểm hiện tại công tác bầu cử đã bước vào giai đoạn nước rút. Trước đó, trên địa bàn một số tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm. Dự kiến ngày 20/5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị và những nội dung liên quan đến cuộc bầu cử vào ngày 22/5 tới.

Không để thế lực thù địch phá hoại bầu cử ảnh 1

Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ 5. Ảnh: DN.

TPHCM sẵn sàng cho bầu cử

Theo ghi nhận của Tiền Phong đến chiều qua, trên hầu hết các tuyến đường trong toàn TPHCM các băng-rôn, pa-nô tuyên truyền cũng như vận động bầu cử đã được triển khai rộng khắp.

Bà Cao Đoàn Ngọc Thủy, Chủ tịch phường Phước Long B, quận 9 cho biết, tuy gặp những khó khăn trong công tác tổ chức như địa bàn rộng, nhiều khu dân cư mới và dân tạm trú đông nhưng các cán bộ tham gia công tác bầu cử đã có nhiều nỗ lực trong việc đến tận các hộ dân để tuyên truyền vận động.

“Phường đã tổ chức tăng cường các hoạt động như phát thanh 3 lần/ngày cho xe lưu động đến từng khu phố tuyên truyền, phát tờ rơi tại các khu vực trong điểm. Với 19 điểm bầu cử, tới thời điểm này phường đã hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho bầu cử và tiến hành rà soát, kiểm tra lại trước ngày bầu cử chính thức” - bà Thủy thông tin.        

Tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, tuy giao thông còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cán bộ bầu cử đã có những sáng tạo để tổ chức tốt công tác chuẩn bị cho bầu cử. Ông Nguyễn Tấn Trí - một cán bộ bầu cử tại Thạnh An cho biết với 3.233 cử tri và được phân chia thành 5 đơn vị bầu cử, xã đảo Thạnh An đã tổ chức vận động các tổ trưởng dân phố lập danh sách cử tri, phân chia người đưa thẻ cử tri đến tận từng người dân. Các cán bộ vận động còn đưa danh sách các ứng viên tới tận từng hộ để các cử tri có thể xem xét trước khi tham gia bầu cử.  

Về hoạt động cấp thành phố, vào ngày 21/5 chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 sẽ diễn ra tại 3 điểm: Khu A- Công viên 23/9 (phường Bến Thành - quận 1), Khu Công nghiệp Tân Tạo, đường số 2- (phường Tân Tạo A - quận Bình Tân), Ký túc xá Sinh viên Đại học Quốc Gia (phường Linh Trung - quận Thủ Đức).

* Ngày 18/5, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kiểm tra công tác bầu cử tại thành phố Cần Thơ. Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ cho biết, đến nay, công tác chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử được thực hiện một cách tập trung, đồng bộ và đúng luật. Dự kiến, ngày 22/5 tới thành phố Cần Thơ sẽ có trên 1 triệu cử tri đi bầu.

Triển khai công tác bầu cử đối với người bị tạm giam, tạm giữ

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Luật bầu cử mới, theo đó những người đang bị tạm giam, tạm giữ đều được ghi tên vào danh sách cử tri tham gia bầu cử. Để chuẩn bị cho công tác này, trại tạm giam Yên Trạch (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) lập tổ phục vụ bầu cử của đơn vị. Trại phân công cán bộ quản giáo đến từng buồng giam để tuyên truyền Luật bầu cử, thông tin những ứng cử viên...

Đến thời điểm hiện tại, số cử tri tại trại là 249 người, tham gia bầu cử tại tổ số 1, cụm bỏ phiếu số 5 thôn Yên Thành, xã Yên Trạch.

 Ngày 22/5, tổ bầu cử thôn Yên Thành sẽ mang hòm phiếu đến từng buồng giam, phối hợp với cán bộ quản giáo phát phiếu bầu và tổ chức cho người bị tạm giam tạm giữ tự tay bỏ những lá phiếu để lựa chọn những người xứng đáng vào Quốc hội và HĐND tỉnh Lạng Sơn.

Nguyễn Duy Chiến

MỚI - NÓNG