Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 19/11, bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khoảng 1 giờ sáng nay đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Khoảng 7 giờ sáng nay, áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Ninh Thuận-Bà Rịa- Vũng Tàu, với sức gió mạnh 6-7, giật cấp 9. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính khoảng 100km về phía Bắc, 80km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Theo bà Mai, khoảng trưa nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến khoảng 19 giờ ngày 19/11, vùng áp thấp nằm trên đất liền các tỉnh Nam bộ.
Bà Mai cho biết, do ảnh hưởng trên áp thấp nhiệt đới, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Từ đêm nay (19/11), do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng mưa lớn mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung bộ). Mưa sẽ kéo dài đến ngày 26/11, với lượng mưa 300-400mm.
Trong khi đó, ở phía Bắc, không khí lạnh tiếp tục tăng cường. Ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời chuyển rét, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-16 độ C, vùng núi 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C; đồng thời gây mưa vừa, thậm chí có nơi mưa to ở các tỉnh nói trên.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp biển từ 12 giờ hôm qua 18/11. Đến nay, các địa phương đã sơ tán 9.159 hộ/ 34.693 người.
Trong đó, hiện Khánh Hòa đã sơ tán 4.496 hộ/16.250 người, Ninh Thuận 4.663 hộ/18.443 người; tỉnh Bình Thuận đã lên phương án sơ tán dân.
Trong khi đó, theo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng 19/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.512 tàu/307.064 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển và thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện nay không có tàu thuyền nào trong khu vực nguy hiểm.
Đến sáng nay, vẫn còn 15 tàu/108 lao động chưa liên lạc được, trong đó Quảng Ngãi 2 tàu/17 lao động; Cà Mau 13 tàu/91 lao động.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn gây sóng to do lớn. Do vậy, các địa phương chưa để người dân trở lại các khu tàu thuyền, lòng bè nuôi trồng thủy sản.
“Đặc biệt lưu ý, không để người dân hiếu kỳ, chủ quan nhất là đối với người nước ngoài, khách du lịch đi lại, xem áp thấp nhiệt đới đổ bộ để tránh tai nạn do cây đổ, điện giật, tôn bay”- ông Hoài nói.
Ông Hoài cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, trong đó kể cả tàu thuyền vận tải, tàu vãng lai nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo, vùng cửa sông ven biển.
Theo ông Hoài, áp thấp nhiệt đới khả năng gây mưa 100-200 mm trong thời gian ngắn, nên nguy cơ ngập lụt một số vùng và gây khó khăn cho việc vận hành hồ chứa. “Đây là đợt mưa cuối mùa, tuy nhiên, các địa phương, chủ hồ không được chủ quan, nên phải theo dõi sát, dựa vào thực tế và dự báo để vận hành, vừa đảm bảo an toàn vừa và tích nước”- ông Hoài nói.