Sáng mai bão số 14 đổ bộ vào Khánh Hòa - Bình Thuận

Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 14. Ảnh: NCHMF.
Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 14. Ảnh: NCHMF.
TPO - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 14 dự kiến vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Hồi 18 giờ, vị trí tâm bão số 14 (tên quốc tế là Kirogi) ở vào khoảng 11,40N-112,50E; cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h. 

Đến 4 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua. 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 16 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10. 

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc. 

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Campuchia. 

Để ứng phó báo số 14, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lụt bão đã yêu cầu các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cấm biển muộn nhất là 15h chiều 18/11.

Các tỉnh này cũng được yêu cầu nhanh chóng kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền thoát ra hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm; sơ tán cho được người dân trên các tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản…. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Nằm trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và thiên tai TP HCM đã chỉ đạo Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải và UBND các quận huyện yêu cầu chủ bến và chủ đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm... chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động, có hiệu lực từ 1h ngày 19/11.

Hai kịch bản của bão số 14 khi đổ bộ vào Khánh Hòa - Bình Thuận 

Chiều 18/11, trao đổi với Zing.vn ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho hay bão số 14 (tên quốc tế Kirogi) xuất hiện vào cuối mùa mưa bão, vốn là một vùng áp thấp, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Bão có tốc độ di chuyển nhanh.

"Sáng 18/11, áp thấp nhiệt đới này đã mạnh lên thành bão, hiện mạnh cấp 8. Đêm nay, có thể bão sẽ mạnh lên cực đại, đạt cấp 8-9, giật cấp 10-11 và đi vào vùng biển phía bắc của quần đảo Trường Sa", ông Hải nói.

Đưa ra các kịch bản, ông Hải nhận định trường hợp xấu là sáng 19/11, bão số 14 đạt cực đại cấp 8 đến cấp 9 và đổ bộ trực tiếp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do khu vực này có nhiều đảo vịnh ven bờ, ông Hải lưu ý người dân cần chú ý các phương án sẵn sàng đối phó với bão, bởi gió ngoài biển lúc này hoạt động rất mạnh.

"Một kịch bản khác là lúc vào ven bờ, bão có thể vẫn ở cấp 8 hoặc suy yếu. Khi tới sát bờ, nó giảm còn thành áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7", ông cho biết.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh. 

Gió mạnh trên đất liền: Từ sáng sớm ngày mai (19/11), trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. 

Mưa lớn trên đất liền: Từ đêm nay (18/11), ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ). 

Cảnh báo lũ: Từ ngày 19-24/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.