Chính phủ họp thường kỳ tháng 3:

Không để các dự án trọng điểm thiếu vốn

Trong quý I đã khởi công 22 dự án, hoàn thành 15 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn như Hà Nội - Thái Nguyên ẢNH: HUY HÙNG
Trong quý I đã khởi công 22 dự án, hoàn thành 15 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn như Hà Nội - Thái Nguyên ẢNH: HUY HÙNG
TP - Ngày 1/4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và ba tháng đầu năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong thời gian tới phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, không để các dự án trọng điểm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 thiếu vốn...

Đề xuất tạm ứng tiền làm khu tái định cư

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2014 Bộ sẽ khởi công và hoàn thành 136 dự án. Trong quý I đã khởi công 22 dự án, hoàn thành 15 dự án, trong đó có nhiều dự án lớn như Hà Nội - Thái Nguyên. Năm 2014, tổng số vốn cần giải ngân là 78.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn rất chậm. Ông Thăng đề xuất các địa phương được tạm ứng tiền làm khu tái định cư.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, giải ngân ODA năm 2014 là 8 tỷ USD nhưng vốn đối ứng thấp hơn năm ngoái. Do vậy, nếu không giải quyết được phần vốn đối ứng là tới đây không giải ngân được vốn ODA.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong quý I/2014, Bộ GTVT đã cổ phần hóa được 9 tổng công ty, bán hết được số cổ phần dự kiến. Ông Thăng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt giá trị DN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, để có thể cổ phần hóa thành công trong năm 2014; cho cổ phần hóa thí điểm một số cảng biển và một bệnh viện.

“Xe vua”, lãnh đạo tỉnh biết hết

Về tình hình tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong quý I/2014, cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ chúng ta đã tìm đúng nguyên nhân, “bắt đúng bệnh” là siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, xử lý cả lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải. 

Nhân báo cáo của Bộ GTVT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và Bộ trưởng Công an, trong xử lý tình trạng phá rừng không chỉ xử lý lâm tặc mà phải bắt cho được đầu nậu, đó là những xưởng chế biến gỗ lậu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm, tình trạng xe quá tải rất nhiều. Do vậy, kiến nghị Chính phủ yêu cầu tất cả các địa phương phải đồng loạt vào cuộc kiểm soát tải trọng phương tiện. Hiện nay, một số địa phương lừng khừng không làm cái này, trong khi đường bị phá rất lớn.

“Tất cả các đoàn “xe vua” ở địa phương, lãnh đạo tỉnh đều biết hết. Báo cáo Thủ tướng, nếu Bí thư và Chủ tịch quyết định làm là hết. Một tỉnh chỉ có một số DN, các anh ấy biết hết cả. Đề nghị Thủ tướng giao trách nhiệm trực tiếp cho lãnh đạo các địa phương thì sẽ xử lý được tình trạng này”, ông Thăng nói.

Đấu thầu còn hình thức

Liên quan việc báo chí Nhật Bản đưa tin về những khai nhận của Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) hối lộ các lãnh đạo đường sắt Việt Nam để chạy thầu dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngay sau khi có thông tin, Bộ đã triển khai quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, KH&ĐT, Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khẳng định với Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA là chúng ta quyết tâm làm rõ, xử lý nghiêm. Dự kiến, sáng 3/4, Ủy ban hỗn hợp chống tham nhũng hai bên sẽ họp, đưa ra các giải pháp phòng chống trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, việc đấu thầu để chọn nhà thầu trong các dự án ODA, nhất là dự án vốn STEP rất hình thức, không có cạnh tranh. Nhiều dự án chỉ một nhà thầu tham gia, như dự án nhà ga T2 Nội Bài, dự án Cảng Tân Vũ - Lạch Huyện. 

“Nhà thầu trúng thầu hầu như do phía Nhật Bản lựa chọn. Ban đầu có 3 - 4 nhà thầu mua hồ sơ nhưng cuối cùng khi đấu thầu chỉ có một. Điều này khiến giá cao hơn bình thường từ 20-30%”, ông Thăng nói. 

Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT khi triển khai các dự án ODA Nhật Bản, đặc biệt là vốn vay STEP, tránh tình trạng chỉ có nhà thầu Nhật Bản tham gia tất cả từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công. Bộ cũng đã có ý kiến thẳng thắn với Đại sứ Nhật Bản và đại diện JICA về vấn đề này.

Thủ tướng cho rằng, đây mới là thông tin ban đầu từ báo chí Nhật Bản nhưng thái độ của chúng ta rất nghiêm túc, rõ ràng. Việt Nam sẵn sàng phối hợp điều tra làm rõ, hợp tác với Nhật Bản để rà soát, ngăn ngừa những tiêu cực có thể nảy sinh trong sử dụng vốn ODA.

Sớm công bố kết quả kiểm tra giá sữa

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, trong quý I/2014, số DN được thành lập mới đã tăng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể vẫn còn cao. Trong Quý I/2014, tổng số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là khoảng 16.750 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần quan tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là tại các thành phố trọng điểm. Nhắc lại câu chuyện giá sữa được nêu từ kỳ họp trước, ông Nhân đề nghị hai Bộ Tài chính và Công Thương sớm công bố kết quả kiểm tra 5 DN sữa. Kết luận nội dung này, Thủ tướng yêu cầu sớm công bố kết quả thanh tra về giá sữa ở các công ty đã tiến hành thanh tra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, 3 tháng đầu năm, kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, tạo thuận lợi để đạt kết quả cao hơn trong những quý tới. Tuy nhiên, hiện tăng tổng cầu còn chậm, tín dụng cả quý 1/2014 mới “lên khỏi mặt đất” tăng 0,01%, trong khi mục tiêu cả năm tăng 10- 12%. 

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp để nguồn tiền ra đều, tránh giật cục vào cuối năm. Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm bố trí vốn đối ứng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm, nhất là các công trình giao thông. 

“Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 dứt khoát không thể nói là thiếu vốn; các đoạn đường cao tốc có ý nghĩa rất quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội, phải cố gắng đảm bảo vốn đầu tư...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ, ngành nào cũng xin tăng biên chế

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện bộ “chịu áp lực rất lớn” bởi bộ, ngành nào cũng xin tăng biên chế, nhưng việc mô tả vị trí việc làm “rất ì ạch, chậm trễ”. Trong khi, quan điểm nhất quán là từ nay đến 2016 không tăng biên chế. Đề cập nội dung này, Thủ tướng cho rằng, dư luận xã hội hiện chưa đồng tình cách đánh giá, xếp loại cán bộ công chức. Các bộ ngành, địa phương báo cáo lên thì số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ chỉ 0,5- 0,6%. Cũng có ý kiến nói 20- 30% cán bộ không hoàn thành. Từ thực tiễn này, Thủ tướng cho rằng, phải khảo sát lại xem việc đánh giá cán bộ công chức đúng trình tự, quy định không, tại sao ra con số như vậy?...

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.