> Mở trường đại học sẽ theo quy trình nghiêm ngặt
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) trao đổi như vậy với PV Tiền Phong.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học . |
Trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH thiếu những cơ chế để thúc đẩy mô hình ngoài công lập được nhân rộng?
Hiện, trường công lập cũng như ngoài công lập có một phổ chất lượng rất khác nhau, chứ không phải trường nào cũng kém cả hay tốt cả. Có những trường ngoài công lập đầu tư rất lớn, như trường ĐH Duy Tân, Văn Lang, dám bỏ tiền ra mua và tập huấn cho giảng viên các chương trình đẳng cấp ở các nước tiên tiến tới vài triệu USD/chương trình. Có trường công nào dám làm thế! Trước ĐH Bách khoa luôn trúng trong các kỳ thi Robocon, nhưng nay là trường Lạc Hồng - một trường tư.
Một số trường cao đẳng mới lên ĐH hiện nay, khi tôi đến làm việc, đội ngũ giảng viên rất trẻ, trình độ hạn chế. Trong khi một số trường ĐH ngoài công lập có đội ngũ giảng viên là các giáo sư kỳ cựu.
Tuy vậy khi so sánh lại có mặt không được bình đẳng. Đó là khả năng thu hút sinh viên. Trường công được Nhà nước cấp ngân sách nên học phí rẻ hơn, trong khi trường ngoài công lập không được cấp xu nào, phải thu phí đắt hơn. Trường ngoài công lập càng muốn có chất lượng tốt, học phí càng nặng. Điều này làm cho thí sinh thấy không hấp dẫn nếu so sánh.
Ở nước ngoài, trường ngoài công lập học phí rất cao, nhưng chất lượng hơn cả trường công lập, thì mới cạnh tranh được, như trường Harvard. Tuy nhiên muốn làm được vậy thì trường đó phải có thương hiệu. Do đó đòi hỏi phải có thời gian.
Với trường trung học thì dễ hơn. Chỉ sau 3 năm học phổ thông, tỷ lệ đỗ ĐH cao thì trường đó có thể khẳng định được. Nhưng trường ĐH cần đến vài chục năm, trăm năm. Trường ĐH Bách khoa của ta 50 năm mới có thương hiệu.
Một số nhà quản lý hiện nay nói trường ĐH công không chạy theo chuyện kiếm tiền. Cái đó không đúng. Có phải ngoài công lập mới kiếm tiền đâu, trường công lập đẳng cấp cũng chạy theo chuyện đó mà tiêu biểu là hệ thống cao đẳng, tại chức - nồi cơm của các trường công.
Làm thế nào để có thể nhân rộng mô hình các trường ĐH ngoài công lập “đẳng cấp”, thưa ông?
Người đứng đầu trường đó phải có tâm trong sáng, không chạy theo mục đích lợi nhuận. Hoặc lợi nhuận ở mức độ vừa phải như nghị quyết 05 về xã hội hóa giáo dục, coi đó là phần thưởng cho các nhà đầu tư.
Tâm lý người học còn ngại ngùng khi vào các trường ĐH ngoài công lập là do thương hiệu nhạt. Ngoài ra việc cho phép mở trường hàng loạt cũng phải xem lại vì rõ ràng hậu quả là không ai quản lý được chất lượng. Mấy trường mới thành lập gần đây tôi không thể hiểu tại sao nó lại là trường ĐH. Phải có một số tiêu chuẩn tối thiểu như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, v.v… Đằng này, cứ cho phép mở trường ầm ầm, đó là hậu quả của cơ chế xin cho.
Khi tôi trao đổi với các chuyên gia giáo dục nước ngoài, họ cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ cơ chế quản lý một chiều, bộ và trường. Một khi mối quan hệ trên là bộ, dưới là trường - bộ đặt ra các điều kiện này nhưng bộ cũng thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn - thì các việc xin cho, hối lộ, xuất phát từ những chuyện đó.
Muốn xin ra đời một trường ĐH tốn khối tiền. Trường muốn được việc, không mất thời gian thì phải dúi tiền. Một số cán bộ của ngành GD bị tha hóa, lợi dụng chuyện đó để làm tiền. Hoặc không thì các trường cũng tự mang tiền đến dâng theo lệ, làm hư hỏng bộ phận còn lại. Cơ chế một chiều này không thể tồn tại.
Như vậy cơ chế giám sát cần được xây dựng như thế nào, thưa ông?
Phải thay bằng cơ chế ba chiều. Nghĩa là, Nhà nước - Nhà trường - Xã hội. Nhà nước có trách nhiệm định ra các chính sách, tiêu chuẩn và công bố công khai các tiêu chuẩn đó, trường nào không đạt, không được. Trường nào tự thấy đã đủ tiêu chuẩn thì trình lên.
Nhưng kiểm tra trường đó có thực hiện đúng chuẩn của Nhà nước không phải thuộc về trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, chẳng hạn các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Ba cơ chế đó khống chế nhau.
Còn nếu đi đêm, hối lộ thì Nhà nước kiểm soát, tước quyền, xử phạt. Xã hội cũng giám sát các hội đồng trường. Nhà nước căn cứ vào kết quả giám sát đó để đưa ra chế tài với các trường. Như thế sẽ loại được sự xin cho.
Dự thảo Luật GDĐH này không đưa ra được quy chế để loại vấn đề xin cho, không khẳng định được vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, không đưa ra được phác thảo hệ thống giáo dục ra sao mà chỉ có những tiểu tiết như Luật các trường ĐH, hay là điều lệ trường ĐH. Cái đó ta đã có rồi. Tôi cho rằng dự thảo này không đạt yêu cầu, chưa nên thông qua trong kỳ họp QH lần này.
Cảm ơn ông.
Mỹ Hằng (thực hiện)