Lương hưu 2,5 - 3 triệu... "xót xa lắm"
Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5 về kinh tế xã hội, tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề lương của cán bộ, công chức, người lao động.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP HCM) đồng tình với việc xây dựng lộ trình cải cách tiền lương tới đây. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn, khi thực tế người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng về hưu lương không đủ sống, vì lương hưu chỉ với 2,5 - 3 triệu đồng.
Từ thực tế đó, ông đề nghị, phải xem lại cách xác định mức lương tối thiểu để doanh nghiệp tuân thủ, để khi người lao động đóng đủ BHXH thì về hưu phải sống được. Đồng thời, cần bổ sung, trong quá trình cải cách tiền lương phải đặt yêu cầu xác định tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu cải cách tiền lương mà không đặt yêu cầu này thì sau đó công chức, người lao động rất khó khăn.
"Tiếp xúc cử tri quận Bình Tân, xót xa lắm, lao động mấy chục năm mà ông Phó Chủ tịch Công đoàn bộ phận lương hưu 2,5 - 3 triệu, lại phải đi làm thêm cho đủ sống. Cần phải tính tính toán làm sao để một người đi làm có thể nuôi được một người, phải nuôi được con mình, hoặc cha mẹ mình", ông Nhân nêu.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP HCM) |
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP HCM) cho rằng, việc tăng lương không chỉ phụ thuộc vào chuyện bảo hiểm, thực tế mức đóng bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp, nhưng muốn tăng lên cũng không dễ.
Theo bà, với mức đóng khá thấp như hiện nay và kể cả phần người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động thì đôi khi người phải đóng bảo hiểm còn "xù" không đóng, cơ quan bảo hiểm không làm được gì.
Không chỉ những người về hưu, bà Lan cho rằng, ngay cả người đang lao động như bác sỹ, dược sỹ mới ra trường lương khởi điểm theo hệ số cũng không đủ sống.
"Chúng ta cứ cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản lên 300-400 nghìn đồng cho 1 hệ số. Nhưng những người mới đi làm hệ số thấp nên số tiền tăng lên cũng không nhiều. Trong khi ở thời điểm đó họ cần tích lũy vốn nhanh để lấy vợ, lấy chồng, xây dựng gia đình", bà Lan nói.
Cần sớm sửa thuế thu nhập cá nhân
Cũng liên quan đến thu nhập, đời sống của người dân, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm sửa chính sách về thuế thu nhập cá nhân. Bà Mai phân tích, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu đồng, đã duy trì từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.
Theo đại biểu, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ cho các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Với những người sống tại các khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hoá dịch vụ đều tăng.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế |
Các gia đình có con em đi học sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí khác. Ước tính chi phí đã tăng 20-30% từ sau dịch do giá cả hàng hoá, tiêu dùng tăng trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí giảm. “Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản”, bà Mai cho hay.
GS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, thuế thu nhập cá nhân cũng là một trong thuế tác động tới thu nhập, đời sống người dân. Những năm trước bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch, thu nhập người dân không cao thì cần duy trì một mức để đảm bảo công bằng xã hội.
Ông Cường cho rằng, kiện kinh tế phục hồi hơn, thu nhập tăng lên thì cần xem xét tăng mức giảm trừ người phụ thuộc hiện là 4,4 triệu đồng một tháng. Ông Cường cũng cho rằng, thay đổi điều tiết thì cũng cần cân nhắc thay đổi cơ cấu điều tiết giữa các bậc đóng thuế, càng bậc cao tỷ trọng đóng thuế càng lớn.
Tuy nhiên, theo ông, cần đánh giá lại, cơ cấu 7 bậc đóng thuế hiện nay thì phân bố thu nhập đang nộp thế nào, rơi vào nhóm nào, để khi điều chỉnh có mang lại tác động tích cực ở phía tăng nguồn thu, khuyến khích các đối tượng thu nhập cao đóng thuế hay không.
“Nếu chỉ nhìn đơn thuần các bậc để điều chỉnh, thì đối tượng tác động ít, nguồn thu không tăng lại gây ra yếu tố tâm lý không tốt cho những người phấn đấu đóng ở mức cao hơn”, đại biểu Cường bày tỏ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi.