GS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM chia sẻ với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, sáng 24/5.
Tiếp tục hạ lãi suất nhưng không hạ chuẩn tín dụng
Ông thấy sao khi Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm 0,5%, áp dụng từ 25/5?
Theo tôi, vấn đề lãi suất thì sẽ vẫn tiếp tục hạ, nhưng điều quan trọng là mức chuẩn về tín dụng không hạ, vì để đảm bảo an toàn hoạt động tài chính ngân hàng.
GS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM. (Ảnh: Như Ý) |
Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp không chỉ ở vấn đề lãi suất mà đã trải qua nhiều cú sốc trong 3 năm liên tiếp từ 2020 đến nay. Thương mại thế giới giảm, xuất khẩu giảm, nên ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
“Về gói hỗ trợ 2%, do tỷ lệ giải ngân thấp, nên cần chuyển sang điều kiện khác, tiêu chuẩn khác, đối tượng khác. Qua đó, nên tiếp tục dành cho doanh nghiệp chuyển đổi số, những doanh nghiệp nào có đề án, dự án chuyển đổi số thì hỗ trợ”, GS Trần Hoàng Ngân.
Vì thế, tới đây chúng ta phải quan tâm đến việc kiểm soát độ mở của nền kinh tế, vì quốc gia có độ mở lớn thì sẽ bị rung lắc bởi tác động bên ngoài. Nếu tác động thuận lợi thì sẽ thuận lợi theo. Nhưng trong bối cảnh những năm qua thì tác động bên ngoài xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi. Cho nên, cái khó của doanh nghiệp trong nước là phải đối mặt với những tác động cả từ bên ngoài và bên trong.
Trong bối cảnh này, chính sách tài khoá phải hạ lãi suất, vì doanh nghiệp không có nhu cầu cho vay trong khi ngân hàng vẫn huy động tiền gửi. Huy động vốn như “hòn than đang cháy”, vì phải trả lãi mà lại không cho vay được, nên buộc phải hạ lãi suất, nhưng không được hạ chuẩn tín dụng.
Vậy cần giải pháp thiết thực hiệu quả nào để ứng phó với tình hình phức tạp, khó lường hiện nay là gì, thưa ông?
Phải nói rằng, trong bối cảnh bất lợi như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định như ngày nay là thắng lợi, là nền tảng thúc đẩy cho tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam vừa phải có giải pháp ngắn hạn và dài hạn để kinh tế không suy giảm nữa. Nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 4% thì thất nghiệp gia tăng, muốn vậy thì phải có giải pháp cho cả ngắn hạn và lâu dài.
Với ngắn hạn, phải nới lỏng chính sách tài khoá đến mức có thể chấp nhận được. Chính sách tài khoá phải là chính sách đi đầu. Nợ công của chúng ta đã giảm từ 43% xuống còn 38%, giảm cả số tuyệt đối và tương đối. Với dư địa này, chính sách tài khoá mở rộng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, đó là giảm thuế, phí, tiền thuê đất… cần giảm sâu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
ĐBQH kiến nghị, ngoài tăng lương cho cán bộ, công chức từ 1/7, cần gói an sinh để "tiếp sức" cho dân (Ảnh minh hoạ) |
Cùng với đó, đầu ra của thị trường nội địa cần chú ý, vì những nước có dân số đông thì người ta sẽ chú ý tới thị trường nội địa trước khi hướng ra ngoài. Chẳng hạn như Mỹ, Nhật Bản, độ mở 40%, còn Việt Nam độ mở tới 180%, nên phải chú tới ý thị trường trong nước.
Tuy nhiên, thị trường trong nước còn gặp khó khăn khi sức cầu của người dân đang suy giảm sau 2 năm COVID-19, rồi xung đột Nga – Ukraine, thu nhập của người dân giảm. Chính vì vậy, ngoài tăng lương từ 1/7 tới, cần có gói an sinh xã hội nhiều hơn để tiếp sức cho dân.
Nên giảm thuế 2% cho tất cả
Để hỗ trợ cho người dân cũng như nền kinh tế, Chính phủ sẽ đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Theo ông, mức giảm thuế này nên áp dụng cho tất cả các ngành nghề, hay trừ các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản?
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thì nên giảm hết cho đại trà, thậm chí có thể giảm sâu hơn. Vì sao? Vì hiện nay chỉ có chính sách tài khoá mở rộng mới giúp nền kinh tế thoát khỏi đà suy giảm hiện nay, và chúng ta cũng có dư địa để làm điều đó.
Theo tôi, nới lỏng chính sách tài khoá để an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm là bài toán ưu tiên nhất hiện nay, đồng thời nên áp dụng cho tất cả, với thời gian càng lâu càng tốt.
Trong đó, trước hết cần hỗ trợ cho nhóm yếu thế, gia đình chính sách, hộ nghèo, người thân bị mất vì COVID-19, người mất việc làm vì mất đơn hàng… để tiếp sức cho người dân. Như vậy tổng cầu mới tăng lên được.
Cảm ơn ông !