Bức xúc
“Văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô với chủ quyền biển đảo” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (LHVHNT) Hà Nội, báo Người Hà Nội phối hợp tổ chức. Không khí bao trùm là cảm xúc “phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc”.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học vắng mặt song có tham luận do nhà thơ Quang Hoài đọc thay, tiêu đề “Từ năm 1938 Việt Nam đã tính chuyện khởi kiện vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trước tòa án quốc tế La Haye”.
Ông cũng dành phần quan trọng điểm lại bộ sưu tập Du ký về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỉ 20, gồm nhiều thể loại thơ phú, tụng, văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, hồi ức về các chuyến đi. Tiêu biểu như: Trần Trọng Kim với Sự du lịch đất Hải Ninh (Nam Phong tạp chí, 1923), Đông Hồ có Thăm đảo Phú Quốc (Nam Phong tạp chí 1927), Trúc Phong với Tết chơi biển (Nam Phong tạp chí 1934), Vĩnh Phúc với Một tuần ở đảo Hoàng Sa (Tràng An báo, 1938), Biểu Chánh: Hà Tiên du ngoạn (Nam Kỳ tuần báo 1943), Khuông Việt: Tôi ăn tết ở Côn Lôn (Nam Kỳ tuần báo 1944).
Nhà văn Đỗ Ngọc Yên nói: “Thời điểm này hoàn toàn thích hợp để đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế La Haye”. Ông nhấn mạnh: “Trước mưu đồ đen tối của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, chúng ta không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy một thứ hòa bình hữu nghị viển vông, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nay mai giàn khoan Hải Dương 981 sẽ rút đi, nhưng âm mưu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ và ngày càng lộ nguyên hình”.
Nhà thơ Nghiêm Bằng cho rằng: “Trước mắt văn nghệ sĩ cũng không ảo tưởng về tình hữu nghị. Tình hữu nghị chỉ có khi chúng ta giữ vững chủ quyền”.
Chủ quyền bằng thơ
Nguyễn Việt Chiến đưa không khí tọa đàm lắng đọng, đúng với tính chất của giới văn nghệ sĩ hơn. Nhà thơ Tổ quốc nhìn từ biển (đã phổ nhạc) có bản tổng kết nhanh về thi ca đương đại suốt 40 năm qua, luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là Tô Thùy Yên viết Trường Sa hành: “Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!/Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề/Lính thú mươi người lạ sóng nước/Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”.
Trần Đăng Khoa một thời gắn bó với Trường Sa, có bài thơ rất hay Chút thư tình người lính biển đã đi vào âm nhạc của Hoàng Hiệp: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng/Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/Biển một bên và em một bên. Hay một trong những trường ca đầu tiên viết về Trường Sa của Hữu Thỉnh: “Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/Đảo có lính cát non thành Tổ quốc”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói ngắn gọn “ủng hộ Nhà nước, Chính phủ, cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan”. Thay tham luận, ông đọc liền hai bài thơ Đường chân trời và Chuông chùa Trường Sa nhân chuyến ra đảo năm 2010 và 2012- được các đại biểu phong “nhà thơ trẻ”.
“Đất nước bên bờ sóng-ca khúc được ca sĩ Bích Việt thu âm lần đầu năm 1979 trên Đài tiếng nói Việt Nam. Nay Bích Việt hát vang “Việt Nam! Đất nước bên bờ sóng. Đất nước bao trận thắng. Mãi mãi là niềm tin. Ôi! Việt Nam”. Giọng hát vang, mãnh liệt này được các đại biểu khen “Giọng vẫn ngon quá nhỉ”. Ca sĩ đã hưu vài năm nay kể thêm, tháng sau bà được mời sang châu Âu biểu diễn để quyên góp ủng hộ chiến sĩ hải đảo và cảnh sát biển.
Thay lời nhiều văn nghệ sĩ, Nguyễn Việt Chiến nói: “Hiện nay văn học đề tài biển đảo đang có nhiều chuyển động vào giai đoạn cao trào với nhiều sáng tác khá ấn tượng về Hoàng Sa, Trường Sa. Tin rằng thời gian tới, đề tài về biển đảo sẽ còn khơi gợi cảm hứng bất tận cho người cầm bút. Bởi sứ mệnh lớn lao của một nhà thơ, nhà văn yêu nước là phải có tác phẩm đến được với trái tim nhiều triệu người, nói lên tiếng nói của thi ca yêu nước và khát vọng hòa bình-độc lập-tự do của dân tộc Việt Nam”.
Tuyên bố của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội
Nhà thơ Bằng Việt đọc tuyên bố của hội thay lời kết tọa đàm, kiến nghị “chúng tôi khẩn thiết kêu gọi giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng nhận thức rõ sự thật về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đồng tình cùng chúng tôi kêu gọi nhân dân Trung Quốc; nhân dân, chính phủ và các nước thuộc khối ASEAN và thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động nguy hiểm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt tôn trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia”.