Khốn khổ vì mỏ sắt

Những ruộng trồng lúa của đồng bào Vân Kiều ở Làng Hồ thành bãi đất đá sỏi lấp tràn, cỏ mọc hoang dại. Ảnh: H.T
Những ruộng trồng lúa của đồng bào Vân Kiều ở Làng Hồ thành bãi đất đá sỏi lấp tràn, cỏ mọc hoang dại. Ảnh: H.T
TP - Đứng bên những thửa ruộng cạnh suối Khe Lệc, Bí thư Chi bộ thôn Làng Hồ, ông Hồ Văn Sang, cho biết thông thường vào thời điểm này lúa đã lên xanh, song hiện nhiều ô ruộng chỉ trơ cát sỏi, không còn canh tác được nữa. Bí thư Sang nói: “Ruộng này có từ thời cha ông, một năm canh tác tốt hai vụ. 

Nhưng đợt tháng 10 năm ngoái mưa to, nước từ đầu nguồn đổ về kéo theo cát sỏi lấp sạch ruộng. Hiện đồng bào chỉ khắc phục được những mảnh ruộng bị bồi lấp ít”. Ruộng của gia đình ông Sang bị cát bồi lấp nhiều nhất ở Làng Hồ với hơn 1 mẫu phải bỏ hoang.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn Hồ Văn Tà, việc ruộng lúa của người dân Làng Hồ bị cát sỏi bồi lấp, bị hoang hóa là bởi đầu nguồn khai thác mỏ sắt. “Doanh nghiệp khai thác xong, bỏ đi mà không chịu hoàn thổ, không trồng lại cây nên mưa xuống là đất cát trôi về hạ nguồn. Xã đã yêu cầu huyện buộc doanh nghiệp trở lại khắc phục ruộng cho dân làm ăn song vẫn chưa thấy động thủ chi cả”, ông Tà bức bối.

Doanh nghiệp cày xong rồi... thoát

Cty Cổ phần Công nghiệp Thương mại và dịch vụ Hoành Sơn tiến hành chặt cây, san ủi mặt bằng để khai thác thăm dò quặng sắt từ năm 2012. Tại đây có 2 điểm Cty  được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép để thăm dò, khai thác trên diện tích hàng chục hécta. Trong quá trình thăm dò, Cty đã dùng máy đào thành từng hố, đất được đưa lên thành gò nham nhở. Khai thác xong, Cty rút hết nhân lực máy móc, không hoàn thổ và trồng lại rừng như cam kết ban đầu.

Theo ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, hiện có gần 30 hécta ruộng lúa của người dân ở xã Hướng Sơn bị ảnh hưởng từ việc khai thác quặng sắt. “Cty khai thác không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Quá trình vận chuyển quặng sắt, Hoành Sơn đã phá hỏng đường giao thông, buộc chính quyền phải bỏ ra 500 triệu đồng để sửa chữa. Nhiều cây rừng ngoài khu vực được cấp phép cũng bị chặt phá. Điều này đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước và nhiều hệ lụy khác”, Phó Chủ tịch Vinh nói.

MỚI - NÓNG