Để dòng vốn lan tỏa, thấm sâu vào nền kinh tế, Chính phủ chỉ đạo tất cả các bộ, ngành đều phải vào cuộc rốt ráo “hô hấp” cứu cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp các ngành nghề vẫn đối mặt nhiều khó khăn vướng mắc, đơn hàng sụt giảm, vấn đề pháp lý của dự án chưa gỡ được hết..., dẫn tới nhu cầu vay vốn ngân hàng thấp. Chưa bao giờ, vốn cho nền kinh tế được quan tâm đến vậy. Các hội nghị lớn do Chính phủ cho đến Ngân hàng Nhà nước tổ chức cho thấy, địa phương liên tục được tổ chức, liên tục đưa ra giải pháp nhằm vốn vào nền kinh tế. Lãi suất cho vay cũng đứng trước đợt cắt giảm kỷ lục. Theo đó, năm 2023. Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành và duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tổ chức nhiều cuộc họp báo phải thốt lên: “Lãi suất đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua, đúng là không thể tin được!”.
Giải cứu bất động sản là một nhiệm vụ của Chính phủ và các bộ, ngành. |
Đứng trước những thời khắc cam go về đảm bảo các mục tiêu hạ lãi suất, nhằm ổn định tỷ giá, đưa vốn vào nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm 2024 đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng tương đương gần 2 triệu tỷ đồng. Thậm chí, ngân hàng nào có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 15% có thể xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách VietinBank nói, ngay từ đầu năm 2024, ngân hàng đã cắt giảm lãi suất, đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế. “Tuy nhiên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế phải có chiến lược kích cầu ở quy mô cả nước cùng vào cuộc. Riêng với thị trường bất động sản, mấu chốt là tiếp tục gỡ khó về pháp lý cho các dự án, chứ không chỉ là câu chuyện giảm lãi suất”, ông Sơn nói.
Trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng nhìn nhận: “Ngân hàng rất cần những giải pháp vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực và sẵn sàng giải ngân cho các dự án trọng điểm quốc gia”.
Tháng 6/2024, Vietcombank lần đầu tiên đứng ra thu xếp 1,8 tỷ USD tương đương hơn 45.000 tỷ đồng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (Vietcombank tài trợ 1 tỷ USD, VietinBank tài trợ 450 triệu USD, BIDV tài trợ 350 triệu USD).
Chính sách giảm thuế nhiều ý nghĩa
Hai năm sau đại dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ xác định để hỗ trợ doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn, ngành Tài chính phải nỗ lực đảm bảo tăng thu ngân sách nhưng cũng đồng thời phải giảm được thuế cho cộng đồng doanh nghiệp bớt khó khăn.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong lần hiếm hoi trao đổi với PV từng bày tỏ nỗi trăn trở: Vừa giảm thuế, vừa tăng thu đó là một bài toán khó không hề dễ giải. Để làm được điều này, theo bộ trưởng, ngành Tài chính đã phải cân nhắc tính toán chi tiết. Thậm chí, lúc đó ông cho biết: Sẽ có “quả đấm thép” để thúc tăng thu ngân sách, mà vẫn giảm được thuế cho cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế phí. Dự kiến, chính sách miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp đã ban hành, thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68.000 tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm 2% thuế Giá trị gia tăng (VAT) giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm gần 47.500 tỷ đồng. Đây là chính sách “lan toả” rộng nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, thực sự là cứu cánh giúp doanh nghiệp giảm chi phí, kích thích sản xuất kinh doanh.
Ngoài giảm thuế, cơ quan chức năng còn gia hạn thời gian nộp VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2024. Thời gian gia hạn nộp thuế 3-5 tháng (tùy theo sắc thuế). Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân sản xuất thụ hưởng chính sách này trong các ngành lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; sản xuất… Bộ Tài chính cũng giảm 10-50% cho 36 khoản phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2024. Tổng số phí giảm khoảng 700 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, rà soát lại những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất nhiều chính sách khác như giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian giảm từ tháng 8/2024 đến hết tháng 1/2025 với tổng mức phí giảm khoảng 5.238 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tiếp tục miễn thuế trong 5 năm tới…
Dù doanh nghiệp đã được hỗ trợ, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách hỗ trợ cần dài hơn. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chính sách hỗ trợ về thuế nên có sự “dài hơi” hơn, tránh “ăn đong” mỗi chu kỳ 6 tháng một lần. Cũng theo TS Việt, doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch kinh doanh theo chu kỳ 3-5 năm trở lên, ngắn hạn nhất là 1 năm. Vì vậy, chính sách quá ngắn hạn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó trong công tác hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án bất động sản
Nhìn lại năm 2023-2024 phải thừa nhận rằng, nếu không sớm có các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ cho đến các bộ, ngành, thị trường bất động sản giờ này không chỉ trong nguy cơ “chết lâm sàng” mà có thể rơi vào rủi ro “ đóng băng”.
Hiểu rõ thực tế này, nhằm hỗ trợ thị trường có tính chất “đầu kéo” của nền kinh tế, tránh gây ra tình trạng đổ vỡ hàng loạt, Bộ Xây dựng với vai trò Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tích cực rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Theo đó, trong suốt hai năm qua, công luận đã quá quen với thông tin tổ công tác liên tục tổ chức các đoàn làm việc lần lượt tại các địa phương như: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định (trong đó có một số địa phương Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc làm việc) và với một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Theo tìm hiểu của PV, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, xử lý 146 văn bản kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến hơn 191 dự án bất động sản. Riêng tại TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết, đã có khoảng 77 dự án bất động sản được gỡ vướng và 143 dự án đang tiếp tục được Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ.
Tại Hà Nội, thành phố đã có 404 dự án được rà soát, phân loại mức độ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có 81 dự án được Hà Nội đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án được kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan. Hiện, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đến từng địa phương, từng dự án để hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang quyết liệt đồng hành, “giải cứu” thị trường bất động sản. Đó là quyết tâm cao độ để thị trường tránh rơi vào tình trạng đổ vỡ hàng loạt, ảnh hưởng đến sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
Những kết quả tích cực 6 tháng đầu năm 2024
Tăng lượng vốn thúc đẩy kinh tế. Ảnh: Như Ý |
Theo báo cáo về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm do TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố, kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực. Về hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tháo gỡ rào cản thể chế, trong đó có Nghị quyết cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu). Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị, các bộ ngành ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Luật đã được thông qua (nhất là Luật khám chữa bệnh 2023, Luật đấu thầu 2023, Luật giá 2023, Luật giao dịch điện tử 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Tổ chức tín dụng 2024…) để kịp thời giải quyết các tồn đọng, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội…
Chính sách tài khóa cũng được điều hành theo hướng mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Quốc Hội, Chính phủ đã quyết nghị nhiều chính sách, gói hỗ trợ tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, lệ phí năm 2024…với tổng giá trị danh nghĩa khoảng 185.000 tỷ đồng, tương đương giảm thu ngân sách nhà nước 68.000 tỷ đồng (gần bằng những năm dịch Covid-19).
Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Về tăng trưởng kinh tế, GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu đều tăng tích cực. Về phía cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7%, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,6 tỷ USD; tích lũy tài sản (đầu tư) tăng 6,72%; tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%. Đây là những dấu hiệu ấn tượng.