Khởi nghiệp thời biến đổi khí hậu

Đỗ Minh Tuấn bên vườn rau dược liệu của mình. ẢNH: Hòa Hội.
Đỗ Minh Tuấn bên vườn rau dược liệu của mình. ẢNH: Hòa Hội.
TP - Chứng kiến thực tế ở địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chàng trai xứ dừa Bến Tre đi tìm các loài cây thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp cho người dân vùng biển không phải lo sợ về cuộc sống khi mặn xâm nhập.

Tìm cây thích ứng mặn

Buổi trưa trời nắng gay gắt, anh Đỗ Minh Tuấn, 29 tuổi đang loay hoay ngoài vườn rau dược liệu điều chỉnh hệ thống tưới tự động ở vùng biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Anh Tuấn giới thiệu: “Vườn rau được gần 5 tháng đang xanh tốt, chuẩn bị thu hoạch rồi, bây giờ tôi còn đang chuẩn bị mua thêm sâm bố chính nữa để trồng”. Nói xong rồi anh Tuấn khoe: “Vườn rau dược liệu gần 3.000 m2 trồng đủ loại, nào là sâm biển Thạnh Phú, sâm đất Bến Tre, sâm đất Côn Đảo, rau mặt trăng… đều thích ứng biến đổi khí hậu và trồng sạch hoàn toàn”.

Theo lời anh Tuấn, cây sâm đất Côn Đảo vừa là thảo dược, vừa là loại cây kinh tế có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cao vì nó dễ thích nghi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng, gió, khô hạn. Cây chỉ cần tưới nước, chăm sóc tốt trong vài tháng đầu đời để có thể duy trì khả năng phát triển trong suốt thời gian sau đó cho đến khi thu hoạch củ. Hiện nay, giống cây này được xem là đặc sản có giá trị quý hiếm và được rất nhiều khách du lịch tìm mua với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Những năm gần đây, ở Côn Đảo loại cây này đang dần khan hiếm do bị người dân “săn” bán.

Nói về ý tưởng đem loại sâm đất từ Côn Đảo về trồng, anh Tuấn cho biết, cuối năm 2015 chứng kiến cảnh mặn xâm nhập dữ dội, hầu như toàn tỉnh đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là vùng biển các loại hoa màu, cây ăn trái không sống nổi, thậm chí đến cây dừa loại cây trồng chịu được mặn vẫn bị ảnh hưởng nên anh quyết tâm tìm loại cây sống được với hạn mặn để trồng.

 Anh Tuấn kể, trong lần đi biển theo đoàn ghe ngang qua Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), anh nhận thấy phong cảnh nơi đây còn hoang sơ và đẹp đến lạ kỳ. “Tôi thích thú và tò mò muốn tìm hiểu khám phá nơi đây. Sau chuyến đi, tôi đã bằng mọi cách để được ra Côn Đảo với nguyện vọng tìm kiếm cho mình một việc gì đó để khởi nghiệp cho bản thân”, anh Tuấn kể.

Ít lâu sau, anh Tuấn đã xin đi theo một ghe nhỏ ở Ba Tri ra Côn Đảo (khu vực bãi Đầm Trầu) gần sân bay Côn Sơn. Tại đây, anh thấy người dân bán một loại củ nho nhỏ mọc hoang sơ tự nhiên cho khách du lịch. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu nguồn gốc loài cây này, người dân nơi đây gọi là “củ sâm đất” có nguồn gốc từ trên núi. Những trận mưa lớn làm cây rụng hạt trôi xuống mọc thành cây con, rồi qua năm tháng cây trưởng thành củ to dần; cây già rụng hạt gặp mưa xuống rồi phát triển nhiều như một chu kỳ vòng đời khép kín của cây sâm đất hoang dã nơi đây.

Giữa năm 2014, anh Tuấn đem 10.000 cây con bằng đường biển về trồng thử nghiệm trên đất cát tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú với tỷ lệ sống không cao do trồng theo cách truyền thống. Sau vài tháng, anh Tuấn tiếp tục mang về tiếp 5.000 cây giống bằng đường hàng không với tỷ lệ sống trên 45%. Đến đầu 2015, anh trồng thêm 1.000 cây tại nhà riêng của gia đình ở xã Lương Hòa (Giồng Trôm) có nguồn gốc từ trên núi ở Côn Đảo đã được khoảng 1 đến 5 năm tuổi về trồng và nhân giống. “Để cho cây giống phát triển khỏe mạnh, tôi đã sử dụng đất sạch để bón lót giúp cây giống mau phục hồi sức tăng trưởng, với tỷ lệ sống trên 90%. Sau thời gian nghiên cứu trồng thử nghiệm, tôi nhận thấy đây là mô hình hiệu quả cao cần nhân rộng và phát triển trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhằm xây dựng thương hiệu cây sâm đất trồng trên đất sạch tạo hiệu quả kinh tế cao”, anh Tuấn bộc bạch.

Rau dược liệu thích ứng biến đổi khí hậu

Sau hơn 2 năm trồng và nhân giống sâm đất Côn Đảo, một số doanh nghiệp đã thấy được ưu điểm cũng như giá trị của loại sâm tự nhiên này nên có doanh nghiệp đầu tư cho anh Tuấn trên 10 tỷ đồng để mở rộng quy mô, đồng thời chuẩn bị thủ tục để xây dựng nhà máy chế biến, giúp nâng giá trị gia tăng của loại sâm trời cho này. Anh Tuấn cho biết, đó chỉ là khởi đầu, còn mong muốn lớn hơn anh đang thực hiện đó chính là rau dược liệu hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp cho người dân vùng biển không phải lo sợ về cuộc sống khi mặn xâm nhập.  

Thạc sỹ Phạm Văn Luân, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Bến Tre kiêm Trưởng nhóm Sáng tạo trẻ Bến Tre nhận xét, anh Tuấn rất tâm huyết trong việc tìm ra những giống cây bản địa có sức chịu đựng nắng hạn, mặn... để phát triển thành các giống cây trong danh mục “Cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu”. Đây cũng là một chương trình của nhóm sáng tạo trẻ Bến Tre đang thực hiện từ 4 năm nay.

Theo thạc sỹ Luân, hiện nhóm Sáng tạo khởi nghiệp đang cùng anh Tuấn nghiên cứu phân tích thành phần của loại sâm quý này để có cơ sở đẩy mạnh trồng và khai thác phục vụ du lịch, thương mại hóa sản phẩm thảo dược. Hơn nữa, hiện anh Tuấn đang có trong tay danh mục ít nhất 3 loại cây bản địa thích ứng biến đổi khí hậu để làm một dự án nhỏ về chương trình này.

MỚI - NÓNG