Khóc vì BlackPink
Chia sẻ clip các fan của BlackPink gào thét, khóc lóc khi thần tượng đang biểu diễn tại sân Mỹ Đình cho vui cũng được, chẳng có gì đáng chỉ trích ở đây. Đơn thuần chỉ là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cảm xúc dâng cao quá độ, mỗi người sẽ có một kiểu bộc lộ riêng. Có thể vì ước mơ (được tận mắt xem thần tượng) thành hiện thực sớm hơn dự định khiến họ bị sốc.
Nhìn sang lĩnh vực khác chẳng hạn bóng đá còn nhiều kiểu biểu lộ “hoành tráng” hơn. Làm gì có fan ca nhạc nào dám ra đường thoát y để thể hiện lòng hâm mộ (còn động cơ gì khác thì không biết)…
Có thể BlackPink không phải gu âm nhạc của tôi nhưng cũng khó mà chê được. Vì đó là một gói nghe nhìn thời thượng được thiết kế hết sức kỹ lưỡng, công phu từ một ngành công nghiệp giải trí có thâm niên hàng chục năm.
BlackPink là những nghệ sĩ đầu tiên lấp đầy SVĐ Mỹ Đình liền trong hai đêm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Hàn Quốc là học trò có thể nói xuất sắc của công nghệ giải trí Âu Mỹ. Giờ đây khi Kpop đến tận cửa nhà và thu về từ Việt Nam hàng trăm tỷ đồng, chúng ta mới ồ à lên có lẽ hơi muộn.
Thế giới biết được quyền lực của âm nhạc đại chúng từ những thập niên 1960 với những tượng đài như Beatles hay ABBA. Chính thương hiệu Beatles góp phần ngăn chặn sự mất giá của đồng bảng và phục hồi nền kinh tế Anh thời điểm đó. Người ta cũng nhận thấy trong cùng một năm, doanh thu của ABBA khi đương độ còn cao hơn hãng xe Volvo. Thời điểm đó ở Việt Nam, quan niệm “xướng ca vô loại” chắc vẫn còn ngự trị.
Một số người vẫn còn hơi choáng khi thấy khán giả của BlackPink sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp vài lần thu nhập trung bình của dân Việt để đi “đu thần tượng”. Chữ “đu” này cũng khá đáo để, nó thể hiện cái sự vẫn còn phải kiễng chân, với tay mới đạt được cái mình khao khát... Nhưng với người hâm mộ, tiêu tiền cho thần tượng có khi còn là một “khoái cảm”.
Thực ra đó chính là việc tiêu tiền cho văn hóa tinh thần đấy - niềm khao khát của biết bao nghệ sĩ, nhà hát chuyên nghiệp. Khi nào người dân có thói quen mua vé, nền nghệ thuật mới tiến triển được. Với những “cỗ máy hút tiền” như BlackPink hay Taylor Swift, họ đi đến đâu, khán giả sẽ tự nguyện chi ra đến đấy, trong sự tự nguyện sung sướng, có khi còn tranh nhau để tiêu...
Sự chi tiêu đột biến này có thể làm khởi sắc kinh tế địa phương. Cho nên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội biên thư cảm ơn BlackPink và cả các Blink cũng phải.
Không nên chỉ lệ thuộc sao ngoại
Với việc tổ chức thành công một sự kiện ca nhạc tập trung đông người như BlackPink, Hà Nội cảm thấy có căn cứ tiếp cận văn hóa giải trí từ góc độ công nghiệp. Việc dự phần vào miếng bánh từ phía “người quan sát” như vậy coi như xong.
Nhưng chắc chúng ta sẽ không bằng lòng với vị thế dự khán. Nhất là khi Vpop đang có những dấu hiệu khởi sắc về nhiều mặt. Không phải vô cớ hoặc chỉ nhờ vào may mắn mà một số ca khúc, nghệ sĩ Việt Nam bỗng dưng được khán giả quốc tế biết tới. Nhất là trong hoàn cảnh họ vẫn tự vận động, chưa dựa trên bệ phóng của công nghệ hay chính sách.
Nhiều Vblink khẳng định họ ấn tượng nhất tiết mục Blackpink nhảy theo bài See tình. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Khi chủ động tạo nên sản phẩm văn hóa để có thể xuất khẩu không chỉ ở chỗ chúng ta có thể thu về nhiều tiền hơn, mà còn là một cách quảng bá văn hóa, xây dựng thương hiệu quốc gia hữu hiệu và tích cực. Thậm chí có thể xác định đây cũng là một nhiệm vụ “sống còn” vì văn hóa phát triển sẽ kéo theo kinh tế và vị thế chính trị.
Đâu chỉ Kpop mà nhiều sản phẩm tiêu dùng của Hàn cũng ngày càng dành được nhiều sự tín nhiệm của người Việt. Đến nỗi đường đường là người Việt cả mà vẫn khen nhau là đẹp trai xinh gái như Hàn Quốc, không ít fan ôm mộng được đến đất nước của thần tượng du lịch, du học... Và dòng tiền cứ thế chảy vào chỗ trũng.
Đưa các sao ngoại về biểu diễn trong nước cũng tốt nhưng tôi vẫn mong có một vài đại gia bỏ tiền (ở dạng đầu tư sản xuất chứ không phải tài trợ) cho những ngôi sao hàng đầu của Vpop củng cố và phát triển sự nghiệp. Để khán giả có nhiều hơn cơ hội được thể hiện lòng hâm mộ với sao nội, để không còn quá lệ thuộc vào sao ngoại.
Sân vận động Mỹ Đình rực rỡ trong "ngày hội của người hâm mộ Kpop" không chỉ ở Việt Nam Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Thấy một số Vblink từng xem show của thần tượng cả ở Thái Lan về kể fan Việt cuồng nhiệt hơn trong thể hiện cảm xúc. Cũng dễ hiểu thôi, chính thành viên Lisa cũng là người Thái Lan. Tức là Tpop cũng khá tiệm cận Kpop rồi. Và BlackPink không phải là món ăn gì quá xa xỉ đối với người Thái khi đất nước họ đã là điểm dừng chân của nhiều sao quốc tế trước đó.
Tất nhiên gây dựng danh tiếng thậm chí đào tạo tài năng trẻ không phải lựa chọn tồi với những kênh có ý định đầu tư vào Vpop. Song danh tiếng và thời hoàng kim của sao cũng là một loại tài nguyên không khai thác hơi phí. Chẳng hạn nay mai có thể lại có một See tình nhưng chưa biết đến bao giờ mới có một Mỹ Tâm thứ hai…
Trong khi mơ bước ra chinh phục thế giới, chúng ta cần tự vấn đã chăm lo và khai thác hết thị trường trong nước chưa. Nếu không muốn ngồi nhìn người Hàn rồi người Mỹ, và cả người Thái tiến vào chiếm lĩnh... trong tương lai gần.