Mượn 'quỷ' nói chuyện người

0:00 / 0:00
0:00
TP - ''Shoplifters'' (Gia đình trộm cắp) - từng đem lại cho Hirokazu Kore-eda Cành cọ vàng và vô số giải thưởng quốc tế khác - nói về những đứa trẻ bên lề xã hội nhưng vẫn được yêu thương. Còn ở Monster (Quỷ dữ) mới thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất và giải cho phim về đồng tính tại Cannes 2023, có những đứa trẻ được gia đình nhà trường bao bọc nhưng vẫn cô đơn.

Monster đang chiếu rạp thuộc loại phim xem xong ta sẽ có cảm giác man mác, hoài niệm, nhắc nhớ ta về một điều gì đó không kém phần quan trọng mà ta đã quên. Có thể đó chính là bản chất của cuộc sống, hay con người. Hirokazu Kore-eda đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Phim nào của ông cũng chủ yếu xoay quanh số phận những đứa trẻ. Trong số đó, Monster hẳn đẹp và buồn hơn cả.

Vang vang trong phim là câu “Con quỷ là ai?”. Đây là câu mào đầu trong trò chơi đoán hình của lũ trẻ trong phim. Đứa này cầm tấm các vẽ hình một con vật để lên trán, và dựa vào mô tả của đứa đối diện để đoán đó là con gì.

Minato và Yori học cùng lớp 5 là đôi bạn thân bí mật. Quãng đời lẽ ra tươi tắn hồn nhiên nhất đời của hai em bị nhấn chìm bởi những góc khuất mà phim đã lột tả một cách tinh tế, làm người xem không khỏi nhớ về tuổi thơ của chính mình. Ít nhiều có những sự kiện chúng ta thường khỏa lấp đi dù vô tình hay hữu ý, để sau này nhìn lại tuổi thơ toàn thấy kỷ niệm đẹp.

Mượn 'quỷ' nói chuyện người ảnh 1

Kết phim, có vẻ hai nhân vật chính cũng được trở về với bản tính hồn nhiên vốn có của con người

Con người sinh ra đều phải đối diện với nỗi cô đơn. Nhưng nỗi cô đơn của một đứa trẻ dễ mang bóng dáng tuyệt vọng hơn. Vì trẻ chưa có cái nhìn bao quát về mọi thứ xung quanh và chưa tự lực được. Khi mất niềm tin hoặc sự kết nối với thế giới, với con người, chúng rất dễ sụp đổ.

Phim mở ra bằng một câu chuyện “kinh điển” về việc thầy giáo dùng vũ lực với học sinh. Bà mẹ đơn thân quyết tâm làm cho ra lẽ. Nhà trường chống chế yếu ớt và đóng kịch một cách lố bịch. Nhưng trước sự kiên định của bà mẹ rồi họ cũng phải họp báo cho thủ phạm xin lỗi công khai.

Nhưng ngay sau đó khán giả được tiếp cận câu chuyện từ góc độ người thầy. Mọi thứ được lật lại. Cùng một phát ngôn, hành động có thể mang những ý nghĩa khác biệt đến đối lập. Người xem chưa hết “bàng hoàng”, chuyện lại được kể tiếp qua lăng kính bọn trẻ hay cô hiệu trưởng… Để rồi thấy rằng ai cũng có cách cắt nghĩa riêng về thực tại mà không chịu chạm đến bản chất của vấn đề. Vì vậy, không ai vô tội. Chỉ là lỗi lầm này dắt dây theo sai phạm khác thành một vòng luẩn quẩn.

Lỗi ở tất cả chúng ta. Lỗi thuộc về bản thể? Chúng ta sinh ra đã thế, không ác mà cũng không thiện. Và vì thế cùng lúc có thể vừa thiện vừa ác. Để bứt ra khỏi vòng xoáy ác nghiệt kia cần một người nói lên sự thật hoặc đứng lên vạch mặt cái ác, cái giả dối. Nhưng ai đủ dũng cảm, đủ lương thiện để làm điều đó? Và khi làm được thì còn kịp không?

Cơn bão cuối phim tượng trưng cho những ẩn ức chỉ tạm thời chịu cho chúng ta dồn nén. Cho đến một ngày phản lực của chúng bùng lên mãnh liệt hơn. Quân domino bị đổ đầu tiên có thể là xu hướng giới tính của một đứa trẻ. Đó là một sự thật Trời sinh hiển nhiên. Nhưng chẳng may thằng bé gặp một ông bố thiển cận, thiếu tình thương, cố vùi lấp thiên tính của con.

Bố nó đã thế thì mong chờ gì ở chúng bạn, kể cả đứa tự nhận là thân quý nhất. Hiện tượng bắt nạt ở trường không hiếm gặp. Qua đó mỗi đứa trẻ phải tự học lấy bài học vượt qua nỗi sợ. Chẳng hạn vì sợ hãi sự khác biệt, trẻ mới đi bắt nạt các bạn khác.

Phim chọn bối cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ như để làm nổi bật thế giới khô cứng của con người. Qua phim này, Hirokazu Kore-eda cố gắng để đào bới chân lý, tìm kiếm sự thật với vẻ đẹp giản dị mà chúng ta cứ cố công che giấu hay vùi dập. Để rồi nó phải chuyển đến một nơi khác tốt đẹp hơn để bảo toàn sự vẹn nguyên của mình, để lại một thế giới đầy rẫy những nửa người nửa ngợm.

MỚI - NÓNG