Khoảng trống pháp lý tội dâm ô người dưới 16 tuổi

Đang có những khoảng trống pháp lý tội dâm ô người dưới 16 tuổi
Đang có những khoảng trống pháp lý tội dâm ô người dưới 16 tuổi
TPO - Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền nói: Trước hết phải khẳng định rằng, Việt Nam là nước có nền tảng pháp lý dành cho trẻ em từ rất sớm. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách nhằm thực hiện các cam kết quốc tế với vai trò là quốc gia thành viên.

Nhờn mặt và thách thức

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đầu tiên phải kể đến Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia ký phê chuẩn. Đây là một văn kiện được xem là quan trọng nhất về quyền con người của trẻ em trong hệ thống luật pháp quốc tế về quyền con người.

Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 5/2002 với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đã ra Tuyên bố Một thế giới phù hợp với trẻ em,  Việt Nam đã đồng thuận và cam kết thực hiện Tuyên bố này. Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em 2016 cũng ghi nhận đầy đủ, hài hòa các quyền và bổn phận của trẻ.

Tuy nhiên theo đại biểu đoàn Phú Yên, trong thực tế, quyền của trẻ em vẫn chưa được xem là một nguyên tắc đảm bảo trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế mang tính chuẩn mực nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật. Đặc biệt, đến thời điểm này những khoảng trống trong hành lang pháp lý cũng như hạn chế trong nhận thức pháp luật vẫn còn quá nhiều tồn tại.

Lẽ ra, là một quốc gia thành viên với những cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế bằng những chương trình hành động từ rất sớm thì càng phải có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng một hàng rào nhằm ngăn ngừa, bảo vệ trẻ từ xa thật vững chắc, nhưng rồi liên tiếp trong những năm qua tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi gần đây đã trở thành vấn nạn.

“Tôi cho rằng, nếu xét về nguyên nhân, trước hết ta phải xét từ gốc, tức là những kẽ hở trong các điều khoản pháp luật quy định về hành vi này chính là những điểm yếu khiến cho những kẻ xấu lợi dụng, thậm chí là còn nhờn mặt và thách thức.

Qua thực  tiễn công tác về bảo vệ trẻ em, tôi cho rằng điểm hạn chế lớn nhất của các tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em đó chính là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Việc quy định tội dâm ô với trẻ em tại điều 146 Luật HS sửa đổi chưa khái quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong thực tiễn. Đó là không quy định rõ hành vi “dâm ô” là gì, “hành vi quan hệ tình dục khác” là gì? Vì thiếu sự phân hóa cụ thể từng hành vi dâm ô nên mức hình phạt cũng không tương xứng”, bà Hiền cho hay.

Theo cách hiểu hiện nay về dâm ô thì hành vi dâm ô được coi là hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của người phạm tội. Như vậy dâm ô cũng là một loại hành vi quấy rối tình dục, mang tính “thể chất”, tức tác động trực tiếp vào cơ thể của nạn nhân. Và hành vi này có thể để lại hoặc không để lại thương tổn, dấu vết vật chất trên cơ thể người bị xâm hại như: tinh dịch, tế bào nam...

Khoảng trống pháp lý tội dâm ô người dưới 16 tuổi ảnh 1

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền

Tội dâm ô không cần phải có thương tích, dấu vết

Về mặt cấu thành tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" hoàn toàn không cần phải có thương tích hoặc để lại dấu vết trên thân thể hay bộ phận sinh dục của nạn nhân. Vì loại hành vi này là loại hành vi tiếp xúc với thân thể bị hại ở bề mặt ngoài mà không nhằm giao cấu hoặc gây tổn thương với mục đích thỏa mãn xu hướng tình dục lệch lạc của cá nhân. Tức là không cấu thành về mặt vật chất nhưng cấu thành về mặt hình thức.

Như vậy, nếu hành vi này cứ lặp đi lập lại nhiều lần mà không bị phát hiện thì nó sẽ trở thành nỗi sợ hãi đối với trẻ em. Điều này dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề không thua gì các tội danh khác liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, gây nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển nhân cách của trẻ em- khách thể được pháp luật hình sự đặc biệt bảo vệ.

“Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các điều khoản pháp luật hiện hành liên quan đến các tội xâm hại tình dục trẻ em, nhất là tội dâm ô để tạo sự thống nhất trong cách hiểu, cụ thể ở từng hành vi, mức độ xâm hại trực tiếp, mức độ xâm hại gián tiếp không thể định lượng bằng chứng cứ pháp y. Từ đó quy định một cách thống nhất yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ cần có bị hại, có nhân chứng trực tiếp, thực nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng...thì đã đủ căn cứ và cơ sở để khởi tố bị can đối với người bị cáo buộc thực hiện hành vi dâm ô”, đại biểu nêu.

Mặt khác, bộ luật tố tụng hình sự cũng chưa quy định cụ thể thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em theo một quy trình đặc biệt cần phải có. Việc bỏ qua lời tường trình của trẻ em, việc đòi hỏi một cách chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi “dâm ô” là một thiếu sót vô cùng lớn  đối với hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam.

Cho đến nay, dù đã rất nhiều lần thảo luận và kiến nghị nhưng chúng ta vẫn chưa ban hành được bộ Quy trình điều tra đặc biệt này, trong khi đối với các nước khác, họ đã áp dụng mô hình tư pháp thân thiện cho trẻ em từ rất lâu rồi. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng cần phải có những chế tài cụ thể và rõ ràng hơn đối với các tổ chức, cá nhân khai thác quá đà thông tin về các vụ việc xâm hại trẻ em, đã vượt giới hạn về quyền bảo mật thông tin của trẻ.

Ở các nước phát triển, luật pháp bảo vệ trẻ em được quy định rất mạnh mẽ và có tính phòng ngừa. Ví dụ họ quy định cụ thể trẻ em hết độ tuổi chăm sóc, đến độ tuổi nhất định thì người khác không được phép chạm vào cơ thể nếu trẻ chưa cho phép, kể cả cha mẹ hoặc người thân. Còn Luật ở ta hiện nay, khi xây dựng vẫn có nhiều quan điểm không nên quy định quá cụ thể chi tiết các hành vi dâm ô trẻ em, nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, thuận lợi cho công tác tuyên truyền luật vào cuộc sống.

“Tôi cho rằng quan điểm này không sai, nhưng đặt trong tình hình hiện nay có thể không còn phù hợp. Hành vi của con người không chỉ hình thành từ nền tảng văn hóa, giáo dục mà còn phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Luật bổ sung làm rõ hành vi gây hại cho trẻ cũng là cách để điều chỉnh hành vi, thói quen của người dân, biết giới hạn đâu là cử chỉ thể hiện sự yêu thương đối với trẻ, đâu là hành vi xâm hại cơ thể của người khác.

Khi Pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh để bảo vệ trẻ em trước những thương tổn trong cuộc sống thì những hiểm nguy có thể gây ra cho các em vẫn phải được nhìn nhận, phát hiện để cụ thể hóa thành những điều khoản pháp luật. Nhiệm vụ của các nhà quản lý, nhà làm luật là phải tiên lượng được và bảo vệ các em bằng hệ thống chính sách pháp luật mạnh mẽ và đầy nhân văn”, bà Hiền nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.