Nghiên cứu trên được CIEM thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2014 tại 7 tỉnh, thành phố có số người dân sống, làm việc ở nước ngoài nhiều: TP HCM, An Giang, Cần Thơ, Hà Nội, Nghệ An và Quảng Bình.
Theo kết quả nghiên cứu, số người nhận kiều hối để chi tiêu hàng ngày là lớn nhất (tới 34,5%), trong đó, tỷ trọng này ở TP HCM chiếm tới 44-45% tổng kiều hối.
Cũng thời gian trên, về lĩnh vực tư, khoảng 30% số người được hỏi nhận tiền kiều hối để gửi tiết kiệm, khoảng 27-30% dùng để sản xuất, dịch vụ; tới 20% dùng để đầu tư, kinh doanh vàng; còn thị trường bất động sản là 16-17%.
Theo TS Thành, khoảng 16% người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các nhà đầu tư không thể vay vốn ngân hàng do các quy định nghiêm ngặt về vay vốn.
Trong khi đó, khoảng 17% số người tham gia khảo sát cho biết, tiền kiều hối chiếm đến 80% tổng thu nhập gia đình họ; đến 40% người tham gia khảo sát cho rằng tiền kiều hối đóng vai trò “quan trọng” và “rất quan trọng” đối với đời sống của gia đình.
Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, mục đích sử dụng kiều hối chủ yếu tại khu vực miền Trung (Quảng Bình, Nghệ An) là để trả nợ. Lý do là tại các tỉnh này thường có lượng lớn người đi xuất khẩu lao động, họ thường xuyên phải vay mượn một khoản tiền lớn để đi lao động, đặc biệt là những trường hợp xuất khẩu lao động qua các kênh phi chính thức.
Một điều khá thú vị được CIEM chỉ ra là, kiều hối đóng vai trò đáng kể dùng cho xây dựng quê hương, dòng tộc, thờ cúng tổ tiên theo văn hóa truyền thống của người Việt. Trong đó, Nghệ An và Hà Nội là hai địa phương nhận được nhiều khoản kiều hối có ý nghĩa trên.
TS Thành cho biết, Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Trong giai đoạn 2010 – 2012, Mỹ chiếm tới 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (khoảng 9%), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%).
Trong giai đoạn 2007- 2013 nguồn vốn kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn viện trợ chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004 – 2006 kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của Việt Nam. Báo cáo cũng cho rằng, kiều hối đã giúp Việt Nam tích trữ ngoại hối nhất là trong 2 – 3 năm vừa qua.
Theo TS Thành, năm 2013, Việt Nam có lượng kiều hối khoảng 11 tỷ USD, đứng trong top 10 thế giới về những nước có lượng kiều hối lớn nhất. Năm 2014, lượng kiều hối của Việt Nam có thể đạt 11-12 tỷ USD.
TS Thành cho biết, đây là kết quả nghiên cứu độc lập của CIEM, về những tác động dài lâu của kiều hối đối với kinh tế Việt Nam, do Western Union –Cty dẫn đầu về dịch vụ thanh toán toàn cầu tài trợ. Báo cáo được công bố trong dịp 20 năm Western Union lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 20 năm có mặt ở Việt Nam, tới 187 quốc gia, cùng lãnh thổ đã gửi tiền về Việt Nam qua Western Union. Hiện Western Union đã có mạng lưới hơn 9.300 điểm giao dịch đại lý ở 63 tỉnh thành trên khắp cả nước.