Khổ với… xăng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 10/10, hình ảnh người dân phải xếp hàng dài, chờ 30 phút để đổ xăng tại một số cây xăng lớn, thuộc hệ thống xăng dầu của Tập đoàn Petrolimex,… khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong khi, tại các cửa hàng nhỏ, tiếp tục thông báo tạm ngừng bán hàng vì… hết xăng.

Nhiều dòng thông báo được đặt trước cây xăng đều chung nội dung: “Chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp thua lỗ, hết tiền nhập hàng, mong người tiêu dùng thông cảm!”.

Nhiều người nêu quan điểm, không thể tin nổi một thành phố lớn như TPHCM lại xảy ra tình trạng hết xăng và “khát xăng” đến như vậy. Người dân không thể đổ xăng, phải xếp hàng dài chờ, hay phải dắt bộ xe hàng km trên đường… tại địa phương là đầu tàu kinh tế của cả nước, như một nghịch lý.

Một thanh niên vừa chờ đổ xăng, nói với tôi, nếu như trước đây, người dân chỉ mang nỗi sợ xăng tăng giá, sẽ kéo theo hàng trăm thứ mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng giá theo, thì nay nỗi sợ còn “khủng khiếp” hơn, đó là “có tiền cũng không thể mua xăng”.

Ghi nhận của phóng viên, cuộc sống của người dân thật sự bị đảo lộn bởi tình trạng hết xăng diễn ra bất ngờ. Báo cáo của Cục Quản lý thị trường TPHCM, ngày 10/10, có 121 cửa hàng tạm hết xăng dầu; 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Nhiều chủ cửa hàng xăng dầu cho biết, họ không nhập hàng vì không thể kinh doanh trong thua lỗ.

Vấn đề đặt ra, xăng tăng giá thì dân khổ, xăng không tăng thì doanh nghiệp khổ, vậy, giá của xăng dầu như thế nào là hợp lý?

UBND TPHCM ngay trong ngày 10/10 đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn; kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như: mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…

Chính quyền thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các loại thuế, phí nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, sao cho phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

Đó là những kiến nghị hợp lý. Bởi, đối với doanh nghiệp, kinh doanh là để có lợi nhuận. Nếu việc kinh doanh xăng dầu khiến họ bù lỗ, chắc chắn họ không thể nhập xăng dầu về bán. Nhưng ai cũng biết, giá xăng dầu mỗi lần được điều chỉnh tăng, đều kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người dân chính là giá cả các mặt hàng tăng cao, kéo theo lạm phát.

Sở Công thương TPHCM, cơ quan quản lý việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, nói với báo chí đã đề xuất Sở Giao thông - Vận tải, Công an Thành phố xem xét, có phương án hỗ trợ di chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào thành phố giờ cao điểm, để tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Tuy nhiên, đây mới đang là giải pháp vá víu tạm thời. Rõ ràng, cơ quan quản lý cần có giải pháp phù hợp, dài hơi để có nguồn cung đầy đủ, ổn định, không thể để một đầu tàu kinh tế lâm vào cảnh “hết xăng” trong lúc phải kéo cả một đoàn tàu nặng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.