Khó như xử phạt cấm hút thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đầu tháng 5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không khả thi.

Nhiều điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn

Theo quy định tại Điều 1 thông tư này, các địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp; Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng (cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng); Phương tiện giao thông công cộng cấm hành khách hút thuốc lá hoàn toàn (gồm: ô tô; tàu bay; tàu điện). Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định pháp luật.

Khó như xử phạt cấm hút thuốc lá ảnh 1

Người dân hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị xử phạt (ảnh minh họa)

Ngay khi quy định này được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trong đó, những ý kiến đồng thuận thì cho rằng, quy định trên nếu được triển khai sẽ góp phần giảm bớt khói thuốc.

“Quy định này nếu được thực hiện nghiêm thì bản thân tôi cũng đồng tình. Không ít lần tôi đã chứng kiến cảnh những phụ nữ, em nhỏ phải nhăn mặt chịu đựng khi có người hút thuốc lá ở bàn bên cạnh trong nhà hàng, quán nước", chị Lê Thị Vân (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, đây không phải là văn bản đầu tiên liên quan đến xử lý người hút thuốc lá nơi công cộng. Trước đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã đi vào cuộc sống 10 năm nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể.

Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức có liên quan kiểm tra gần 2.000 đơn vị, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc. Tổng số tiền xử phạt giai đoạn này là 564,9 triệu đồng.

Thực tế, hiện nay, tại nhiều điểm công cộng như bến xe, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn người dân vẫn vô tư nhả khói, dù có biển cấm hút thuốc đặt ngay bên cạnh.

Địa phương kêu khó

Ông Đỗ Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) cho rằng, việc xử phạt hút thuốc lá tại nơi công cộng là khó với địa phương. Nguyên nhân là, UBND thị trấn nhân lực ít, chỉ 19-21 biên chế nhưng phải quyết các thủ tục hành chính cho 13.000 dân địa phương.

Vì vậy, việc bố trí lực lượng đi kiểm tra, xử lý người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hầu như chưa thực hiện được. Đó là chưa kể, cán bộ hầu hết cũng ở trong làng, trong xã nên nếu có phát hiện thì cũng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ phụ trách đô thị của UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời, thời gian đầu UBND phường cũng kiểm tra, nhắc nhở và xử lý được vài trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây vấn đề này cũng không thấy nhắc đến nữa. Ông Hà cho rằng, có nhiều nguyên nhân khó không xử phạt được người hút thuốc lá nơi công cộng. Một phần là lực lượng mỏng; một phần là bởi hành vi hút thuốc của người dân diễn ra bất chợt, nhanh, vị trí không cố định.

Nếu xử phạt theo đúng quy trình là sau khi nhận được phản ảnh của người dân, lực lượng chức năng thành lập đoàn đến lập biên bản, ra quyết định hoặc đề xuất xử phạt thì cá nhân vi phạm không chỉ thừa thời gian “thủ tiêu” tàn thuốc mà còn đi mất.

Ông Nguyễn Văn Hòa (Sở Y tế Thanh Hóa) thì cho rằng, việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng không hiệu quả do chưa có cơ chế giám sát cụ thể, nên những người đứng đầu vẫn còn làm ngơ, hoặc chỉ đạo chung chung.

Hơn nữa, hiện nay, cơ quan chức năng chủ yếu tuyên truyền để báo cáo thành tích mà chưa chú trọng nội dung, cách thức. Hoặc việc tuyên truyền mới đến được một nhóm đối tượng, chứ chưa sâu rộng đến tất cả người dân. “Nếu không khắc phục được các vấn đề trên thì quy định mới có hiệu lực cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn”, ông Hòa chia sẻ.

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ) đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm gấp gần 2 lần (mức phạt cao nhất lên đến 500.000 đồng). Đồng thời, quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

MỚI - NÓNG