Ngày 20/5, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TPHCM) tổ chức hội thảo khoa học cập nhật những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia báo cáo của nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang. Trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong.
Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, ước tính mỗi năm trên cả nước ghi nhận khoảng 23.600 người mắc mới ung thư phổi và 20.700 người tử vong. Thực tế thăm khám, điều trị tại các bệnh viện đang ghi nhận tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi ngày càng nhiều.
Bệnh ung thư đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong cộng đồng tại Việt Nam |
Những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, bên cạnh đó là yếu tố di truyền trong gia đình người bệnh.
Hiện nay, với sự phát triển của y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi. Đặc biệt các tiến bộ này đã đi sâu đến sinh học phân tử, công nghệ gen, tế bào... từ đó có phương pháp điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch hiệu quả, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng điều trị của người bệnh.
Để phòng tránh nguy cơ ung thư phổi, các bác sĩ khuyến cáo cộng đồng: không hút thuốc lá (chủ động và thụ động); phòng tránh các tác nhân từ phóng xạ, amiăng, asen, ô nhiễm không khí; ăn uống điều độ với chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường tập thể dục. Khi thấy cơ thể có các biểu hiện ho kéo dài, đau tức ngực, khó thở, giảm cân không rõ nguyên nhân, nặng hơn là ho ra máu bệnh nhân cần nhanh chóng đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.