Khổ như nông dân bị cò 'ép giá' lúa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thu hoạch rộ, giá lúa giảm mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều nông dân bị thương lái "ép giá". Không chỉ vậy, có nông dân còn bị chậm trả tiền mua lúa, không có vốn để đầu tư vụ mới…

Được mùa nhưng kém vui

Nhiều cánh đồng lúa tại Hậu Giang đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Năng suất tốt, lúa được mùa. Tuy nhiên, trái kỳ vọng trước đó, bà con nông dân xót xa khi thương lái đồng loạt giảm giá thu mua so với thỏa thuận đặt cọc trước đó, nếu nông dân không giảm giá thương lái sẽ dừng thua mua.

Vừa thu hoạch 1,2 ha lúa RVT, ông Nguyễn Văn Chính ở phường 3, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết, trước Tết, ông và bà con trong vùng được “cò lúa” chốt giá mua 9.800 đồng/kg (giống RVT) và 9.000 đồng/kg (lúa đài thơm 8). Khi đó, nông dân nhận đặt cọc rất phấn khởi.

Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, “cò lúa” viện lý do giá lúa gạo giảm chung toàn thị trường, nên chỉ mua giá 8.200 đồng/kg lúa RVT và 7.800 đồng/kg lúa đài thơm 8. “Dù giá thực bán giảm hơn 1.000 đồng/kg so với giá cọc trước, nhưng bà con vẫn phải bán, không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai”, ông Chính nói.

Tình cảnh tương tự, ông Trần Văn Nhâm ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho hay, đây là vụ đầu tiên được nhận tiền cọc mua lúa với giá bán 10.000 đồng/kg (lúa RVT).

“Cứ nghĩ sẽ có vụ lúa thắng lớn, thế nhưng đến ngày gặt, thương lái hạ giá mua còn 8.500 đồng/kg đối với lúa giống, còn lúa hàng hóa chỉ 8.000 đồng/kg. Bà con phải bán, vì lúa đến ngày thu hoạch không để lâu được”, ông Nhâm chia sẻ.

Khổ như nông dân bị cò 'ép giá' lúa ảnh 1

Nông dân được mùa vụ Đông Xuân nhưng giá lúa liên tục giảm gần đây. Ảnh: CK.

Việc “cò lúa” ép hạ giá mua lúa thực tế so với giá đặt cọc trước với nông dân khi thị trường tiêu thụ khó khăn, hoặc giá lúa gạo thị trường giảm là tình trạng không mới. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay, giá thu mua giảm mạnh so với giá đặt cọc trước, khiến nông dân tiếc nuối, bởi năng suất lúa vụ này đạt khá, bình quân trên 1 tấn/công tầm lớn (1.300 m2), cá biệt có ruộng đạt gần 1,2 tấn/công. Giá lúa giảm, nông dân mất khoản lãi không hề nhỏ.

Theo tính toán của bà con, với mỗi công đạt 1 tấn lúa, nếu giá bán giảm 1.500 đồng/kg so với đặt cọc, nông dân tuột khỏi tay 1,5 triệu đồng; tương ứng 1 ha mất 15 triệu đồng lợi nhuận. “Đây là con số chỉ tính riêng của một hộ, chưa nói đến một huyện hay một tỉnh, số tiền giảm đó không hề ít”, nông dân Trần Văn Nhâm nhẩm tính.

Lúa hè thu đã lên xanh mà tiền vụ đông xuân chưa thu được

Vài ngày trước, nhiều người dân tập trung tới trụ sở một công ty lương thực ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) để đòi tiền lúa đã bán trước đó. Người dân cho biết, công ty này thông qua các thương lái mua lúa của dân nhưng không trả tiền ngay, khất nợ nhiều lần.

Anh Phan Văn Quân (xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ) cho biết, gia đình anh bán hơn 90 tấn cho thương lái mua hộ công ty trên, với giá 8.600 đồng/kg. Ban đầu, thương lái định nợ hết, nhưng anh giữ lại, buộc thương lái phải trả trước khoảng 200 triệu đồng, nhưng vẫn nợ hơn 600 triệu đồng.

“Do chỗ làm ăn nhiều năm nay, nên tôi tin tưởng cho họ nợ và chở lúa đi. Tuy nhiên, đến nay hơn 10 ngày vẫn chưa nhận được số tiền còn lại, công ty hẹn hôm nay (8/3) sẽ cho mang tiền đến trả nhưng tới giờ chưa thấy”, anh Quân nói và cho biết nhiều nông dân bị công ty trên nợ lâu hơn, nay vụ lúa hè thu đã lên xanh, mà tiền bán lúa đông xuân chưa thu được.

Khổ như nông dân bị cò 'ép giá' lúa ảnh 2

Lúa thu hoạch bị "neo", nông dân ngóng thương lái. Ảnh: TC.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ cho hay, giá lúa công ty mua thực tế thấp hơn khi đặt cọc 500 đồng/kg, chỉ còn 8.000 đồng/kg. Do vậy, một số bà con không chấp nhận mà bán cho người khác với giá 8.300 đồng/kg.

Theo bà con nông dân, kể cả khi đồng ý giảm giá, việc thu mua lúa của công ty cũng chậm trễ, máy vào thu hoạch và việc cân lúa cũng trễ hơn so với cam kết. Việc bị “neo” trên đồng quá ngày thu hoạch khiến lúa khô bông, hao hụt khá nhiều, sau khi thu hoạch cân trễ cũng khiến nông dân thua thiệt…

Đại diện một doanh nghiệp lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long viện dẫn lý do thu mua lúa chậm trễ là do thiếu hụt phương tiện vận chuyển, hạ tầng phơi sấy bị quá tải khi vào thu hoạch rộ. Khi vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung lúa gạo tăng cao trong thời gian ngắn, khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm mạnh. Nắm tình hình này, đối tác nhập khẩu lúa gạo cũng tranh thủ "ép giá" với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 2/3/2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Qua đó vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi; đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo; nhất là thu mua lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

MỚI - NÓNG
Ông Phạm Quang Nghị: 'Tôi từng nói, việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng'
Ông Phạm Quang Nghị: 'Tôi từng nói, việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng'
TPO - Trao đổi với phóng viên sau khi được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ, ông từng nói câu "việc của Hà Nội nhiều như nước sông Hồng, cứ dạt dào chảy suốt ngày đêm, không thể nào làm hết được. Cho nên phải lựa chọn việc gì trước, việc gì làm sau".
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.