Lý do hàng loạt dự án ở Cần Thơ chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng loạt nguyên nhân chậm tiến độ các dự án được kể ra, như: Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, người dân khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; công tác khảo sát, thu thập số liệu chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường...

UBND TP. Cần Thơ vừa có báo cáo tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư năm 2023 trên địa bàn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm vừa qua, Cần Thơ phê duyệt đầu tư 163 dự án đầu tư công (3 dự án nhóm B; 160 dự án nhóm C). Tổng số vốn giải ngân đến hết năm tài chính (tháng 1/2024) đạt hơn 7.656 tỷ đồng (trên tổng số vốn kế hoạch hơn 8.450 tỷ đồng), đạt hơn 90% kế hoạch.

Cần Thơ chỉ ra loạt dự án triển khai chậm so với kế hoạch, như: Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; dự án Bệnh viện Ung bướu; dự án Kè sông Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu; dự án Trường THCS Trà Nóc; dự án Trường Tiểu học Long Hòa; dự án Xây dựng trạm trung chuyển rác tại phường Long Tuyền…

Lý do hàng loạt dự án ở Cần Thơ chậm tiến độ ảnh 1

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ quy mô 500 giường chậm tiến độ nhiều năm. Ảnh: CK.

Hàng loạt nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án được kể ra, như: Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, người dân khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; công tác khảo sát, thu thập số liệu chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường; dẫn đến khi triển khai nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định được duyệt, làm vượt tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư;

Công tác tổ chức thực hiện các thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị còn chậm; tổ chức đầu thầu thiết kế, lập, thẩm tra thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán kéo dài. Công tác quản lý, phối hợp giám sát chưa tốt; một số nhà thầu không tích cực thi công, còn viện lý do vướng mặt bằng tại một số vị trí để thi công cầm chừng; các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành... ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thực hiện dự án, kết quả giải ngân.

Về tình hình thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, năm 2023, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (Ban Giám sát cộng đồng) thực hiện 297 cuộc giám sát đối với các chương trình, dự án đầu tư… Qua giám sát và tái giám sát, đã kịp thời phát hiện những vấn đề còn lỏng lẻo và sai sót để nhắc nhở, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương uốn nắn, chấn chỉnh.

Tuy nhiên, các hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng một số địa phương còn gặp không ít vướng mắc. Cụ thể, một số cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc chưa thường xuyên quan tâm vai trò của Ban Giám sát cộng đồng; những kiến nghị sau giám sát không được xử lý kịp thời, công tác thông tin, tổng hợp, báo cáo còn hạn chế.

Việc tiếp cận hồ sơ dự án do nhà nước đầu tư hoặc chỉ định thầu còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là do ban quản lý dự án, nhà thầu chưa cung cấp kịp thời các văn bản, hồ sơ cần thiết, nhất là các dự án liên quan đến giao thông, thủy lợi. Một số chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng không muốn thông báo thiết kế dự toán, kế hoạch, tiến độ hoặc tìm cách thay đổi chủng loại vật tư nhằm giảm chi phí thi công…

UBND TP. Cần Thơ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cụ thể về công tác giám sát, đánh giá đầu tư; thực hiện báo cáo trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cho đội ngũ làm công tác giám sát và đánh giá đầu tư; hướng dẫn về công tác giám đầu tư cộng đồng cho các Ban Giám sát cộng đồng…

MỚI - NÓNG