Hậu Giang kêu gọi doanh nghiệp hiến kế cho lãnh đạo tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Đồng Văn Thanh - đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn nêu các khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến giúp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp (DN), Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Đồng Văn Thành đề nghị các DN trên địa bàn tỉnh có văn bản phản ánh khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến giúp lãnh đạo tỉnh vận dụng trong quá trình chỉ đạo điều hành, nhằm tháo gỡ kịp thời để hỗ trợ DN.

Các văn bản phản ánh, kiến nghị, đề xuất, DN gửi về Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 8/3/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Sở Kế hoạc và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thông tin đến các DN trên địa bàn; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp các kiến nghị, kinh nghiệm, sáng kiến của DN, chủ động phối hợp với các đơn vị đề xuất UBND tỉnh giải quyết trước ngày 12/3/2024.

Hậu Giang kêu gọi doanh nghiệp hiến kế cho lãnh đạo tỉnh ảnh 1

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 12,27%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 2 cả nước. Ảnh: CK.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tỉnh xác định DN là động lực quan trọng để phát triển, là chủ thể có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 4.330 DN hoạt động, tăng hơn 37% so với cùng kỳ, vượt hơn 23% kế hoạch.

Tuy nhiên, hoạt động của DN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: DN đăng ký ngừng hoạt động so với cùng kỳ tăng về số vốn; số dự án đăng ký đầu tư giảm sâu về số lượng và tổng mức đầu tư, cho thấy sự suy giảm nhu cầu đầu tư kinh doanh, thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của DN.

Bên cạnh đó, dù tỉnh đã chủ động trong việc bố trí vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch nhưng vẫn còn ít so với nhu cầu của nhà đầu tư. Nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về lao động cho nhà đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đầu tư còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. DN gặp khó khăn về vốn và tìm kiếm thị trường đầu ra nên dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, chưa sử dụng đất một cách hiệu quả…

Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, Hậu Giang tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại DN, cà phê doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hoặc chấm dứt hoạt động dự án không hiệu quả/vi phạm quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khác tiếp cận và đầu tư…

Hậu Giang tiếp tục định hướng phát triển và thu hút đầu tư tập trung vào 4 trụ cột gồm “Công nghiệp hiện đại, Nông nghiệp sinh thái, Đô thị thông minh và Du lịch chất lượng”. Nhất quán quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh”. Khẩu hiệu hành động là “2 nhanh, 3 tốt” (nhanh giải phóng mặt bằng - nhanh thủ tục đầu tư; cơ hội tốt - chính sách tốt - hạ tầng tốt).

MỚI - NÓNG