Điểm sáng tăng trưởng kinh tế
Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2023, tỉnh đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, đồng thời quyết tâm lập nhiều thành tích thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh (1/1/2004-1/1/2024).
Theo ông Thanh, trong 9 tháng đầu năm, Hậu Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng cao, là điểm sáng trong bức tranh chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III đạt 12,85%; 9 tháng đầu năm đạt 13,3%, đứng đầu cả nước, cao hơn 3 lần so với tăng trưởng bình quân cả nước.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 12%, góp phần đưa khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là trụ cột phát triển, chiếm tỷ trọng gần 36%. Nhiều dự án đầu tư quan trọng được triển khai tích cực; các nguồn lực được tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 12%.
Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng tích cực, đóng góp hơn 5% vào mức tăng trưởng chung. Tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả và tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 18,34%, đóng góp vào tăng trưởng khu vực du lịch, dịch vụ tăng 6,32% so với cùng kỳ.
Các công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả; đời sống của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã phát động nguồn lực xã hội hóa xây dựng trên 1.400 căn nhà Đại đoàn kết cho người có công, gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh...
Hậu Giang tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế của cả nước. |
Tạo nền tảng vững chắc thực hiện kế hoạch năm 2024
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế của địa phương như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đảm bảo tính bền vững. Tỉnh đang đứng trước điểm nghẽn tăng trưởng do công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng và hiện thực hóa các dự án đầu tư mới vào tỉnh còn chậm.
Hai điểm nghẽn lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược đang được tập trung tháo gỡ nhưng chưa đạt tiến độ như mong muốn. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững; kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số còn hạn chế…
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, dự báo thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới. Trong khi đó nhiệm vụ còn lại của năm là rất nặng nề. Một mặt phải tập trung lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của năm 2023, cùng với đó tập trung triển khai một số sự kiện quan trọng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh.
Một số nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo tỉnh đề ra. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động tối đa các nguồn lực, phát huy ưu điểm, tận dụng thời cơ, quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra.
Ban cán sự đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, nhất là những chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp so với tiến độ năm (thu ngân sách, tạo quỹ đất sạch, giải ngân vốn đầu tư công…) để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, tạo nền tảng vững chắc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Hậu Giang có hai tuyến cao tốc đi qua địa bàn với chiều dài hơn 100km. |
Theo Bí thư Nghiêm Xuân Thành, tỉnh cần khẩn trương làm việc, tăng cường giải trình, hoàn thiện để sớm được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030. Tiếp tục kêu gọi đầu tư, trọng tâm là tiếp cận thành công nhà đầu tư phát triển khu đô thị, văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn.
Một nhiệm vụ khác, theo Bí thư Hậu Giang, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch Chính phủ giao. Chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, duy trì chỉ số xếp hạng cao và quan tâm cải thiện các chỉ số xếp thứ hạng thấp. Kiến tạo môi trường thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh. Tập trung hiện triển khai sớm 2 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng xác định, tỉnh chuẩn bị thật tốt, quyết tâm tổ chức thành công 2 sự kiện lớn vào cuối năm nay, gồm Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 và chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng các phương án, phối hợp chặt chẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động, sự kiện lớn tổ chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…
"Hậu Giang là địa phương giao cắt của 2 tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc vùng ĐBSCL, gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với tổng chiều dài khoảng 300km đang triển khai, trong đó đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 100km. Bên cạnh đó, ngày 28/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất bổ sung 2 khu công nghiệp của Hậu Giang với quy mô 614ha vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của Việt Nam. Xác định được những điều kiện thuận lợi do các tuyến cao tốc sẽ mang lại, tỉnh đã đưa vào quy hoạch tỉnh và dành quỹ đất để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch theo hướng tận dụng tối đa lợi thế các đường cao tốc đi qua" – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nói.