Ông Lê Trọng Tuấn, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, cho biết, tính đến năm học 2014-2015, trường đã mở 40 khóa học với 16.000 học sinh người dân tộc thiểu số, cung cấp đầu vào cho nhiều trường đại học, cao đẳng. Nhiều học sinh thuộc những dân tộc ít người như Ngái, Clao, Tu Dí, Pú Y... Tuy nhiên, tỷ lệ vùng miền và dân tộc trúng tuyển vào Trường Dự bị Đại học không đồng đều.
Học sinh trúng tuyển vào trường chủ yếu thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng (trên 50%). Các tỉnh vùng cao, khó khăn, nhu cầu đào tạo cán bộ nhiều như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang…, số học sinh trúng tuyển ít, thậm chí có năm không có học sinh nào. Học sinh người dân tộc Tày chiếm số lượng đông nhât, tiếp là dân tộc Nùng, Mường, Thái. 14 dân tộc có tổng số dưới 10 học sinh, trong đó có 6 dân tộc chỉ có 1 học sinh. Những dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như: Chứt, Mảng, Cống, Si La, Ơ Đu, Lự, Ha Lủ… chưa có học sinh được tuyển vào trường.
Ông Tống Thanh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết, cán bộ công tác người dân tộc thiểu số còn ít, cán bộ chủ chốt lại càng hiếm, như tỉnh Lai Châu chỉ có 22% trong các cơ quan nhà nước.
Ông Hoàng Xuân Ánh (Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng) đề nghị Bộ GD&ĐT, Trường Dự bị Đại học trung ương bồi dưỡng, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh, tiếp tục tăng cường chỉ tiêu, để con em dân tộc được học tập, cống hiến. “Theo nhu cầu của tỉnh, với một số dân tộc còn thiếu cán bộ, có thể thành lập riêng lớp đào tạo cán bộ nguồn”, ông Ánh đề xuất. Ông Triệu Tiến Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái, cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường dân tộc nội trú, Trường Dự bị đại học. Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ dân tộc cũng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi.
Theo ông Lò Quang Tú, Trưởng Ban Kiểm tra T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, việc đầu tư cho các trường dự bị đại học nên có trọng điểm, tránh đầu tư tràn lan, phân tán nguồn lực. Có những chính sách ưu tiên, xét tuyển dành riêng cho con em các dân tộc khi xét vào trường dự bị đại học. “Cần tạo điều kiện hơn nữa về học phí, trợ cấp cho con em dân tộc ít người đi học không theo diện học cử tuyển. Thực tế, nhiều sinh viên dân tộc ít người theo học các trường kinh tế, bách khoa, y khoa rất tốn kém nhưng không phải diện cử tuyển nên chưa được hỗ trợ nhiều”, ông Tú nói.