Kho bạc Nhà nước: Nối dài truyền thống quản lý ngân quỹ quốc gia

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Phú Thọ
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Phú Thọ
Trải qua một chặng đường dài phát triển và hoàn thiện, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hình thành nên một truyền thống vẻ vang và đầy tự hào, làm tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của ngành.

Chặng đường dài phát triển

Ngày 29/5/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố Quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính - tiền thân của hệ thống KBNN Việt Nam. Trong thời kì kháng chiến, Nha Ngân khố Quốc gia đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của dân tộc, hoàn thành sứ mệnh được giao, là công cụ quan trọng của chính quyền cách mạng non trẻ đấu tranh chống lại những hoạt động của địch trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ, đặt nền móng đầu tiên cho nền tài chính của chế độ mới.

Sau đó, để đáp ứng yêu cầu cải cách quản lý tài chính tiền tệ và điều hành ngân sách của đất nước trong thời kì đổi mới, hệ thống KBNN tái thành lập theo Quyết định số 07/HĐBT ngày 4/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng và chính thực đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990 với 5 chức năng, nhiệm vụ chủ yếu.

Sau một chặng được dài phát triển, đến nay, hệ thống KBNN không chỉ đơn thuần là cơ quan quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn trở thành đơn vị quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước, tổng kế toán nhà nước, thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Hệ thống KBNN đã có những bước tiến vượt bậc về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực; khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống Tài chính quốc gia thông qua việc hoạch định, triển khai các chính sách huy động vốn, quản lý và phân phối các nguồn lực tài chính của đất nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tài chính - NSNN.

Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước (trong giai đoạn 2001 – 2010) đã dần đi vào ổn định và phát triển theo hướng cải cách hiện đại hóa. Công tác thu NSNN đã được cải cách quy trình theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế; đồng thời, bước đầu ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin điện tử tiên tiến vào quy trình quản lý thu NSNN với việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Hiện đại hóa thu NSNN.

Ngoài ra, công tác kiểm soát chi NSNN đã được đổi mới dần theo mô hình giao dịch viên “1 cửa”; tách bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ, qua đó từng bước thống nhất đầu mối và quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Công tác quản lý ngân quỹ nhà nước trong giai đoạn này luôn đảm bảo an toàn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán chi trả cho các đơn vị giao dịch, mặt khác, KBNN cũng tiếp tục sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng cho NSNN, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu cải cách công tác quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, hiệu quả trong giai đoạn sau.

Hướng tới nền tảng kho bạc số

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đang được đặt ra với mục tiêu tổng quát: Xây dựng KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thực hiện tốt các chức năng quản lý quỹ NSNN; quản lý NQNN và huy động vốn cho NSNN và tổng kế toán nhà nước dựa trên 03 trụ cột phát triển chính: Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ; Tổ chức bộ máy thống nhất theo mô hình kho bạc khu vực, hướng tới mô hình kho bạc 2 cấp;

Hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để hướng tới hình thành “kho bạc số”, gắn hiện đại hóa các chức năng của kho bạc với đổi mới mô hình tổ chức hoạt động KBNN, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới; đồng thời, lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, trong đó chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện.

Trên cơ sở đó, KBNN đề ra một số định hướng cải cách chủ yếu trong những năm tiếp theo, trong đó trọng điểm là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quỹ NSNN thông qua việc gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán NSNN trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử và hoàn thiện khung kiểm soát chi NSNN. Điện tử hóa các giao dịch thu, chi NSNN nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao tốc độ xử lý giao dịch, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực.

Công tác huy động vốn cho NSNN cũng phải phù hợp với mục tiêu của các chiến lược, kế hoạch, chương trình quản lý nợ công và kế hoạch vay nợ của Chính phủ, đảm bảo việc huy động hiệu quả và với chi phí tối ưu, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; sử dụng hiệu quả nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi.

Đáng chú ý, KBNN sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin tài chính – NSNN, phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và người dân. Từng bước rút ngắn thời gian lập, đệ trình báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo quyết toán NSNN còn không quá 9 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân sách.

Giai đoạn này, KBNN sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện nền tảng kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của KBNN; phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.

MỚI - NÓNG