Công khai lừa đảo
Đang dự cuộc họp với các đối tác quan trọng, anh L.T.S, lãnh đạo một đơn vị có trụ sở tại Hà Nội phát cáu khi trong vòng 15 phút liên tiếp nhận 6 tin nhắn (4 tin nhắn từ các đầu số của Viettel, 2 tin nhắn từ MobiFone và VinaPhone) dội về máy mời chào mua các dự án BĐS, biệt thự nghỉ dưỡng khắp cả nước. Điều đáng nói, trong số các tin nhắn rác gửi về máy anh S., có cả tin nhắn mang tính lừa đảo khách hàng.
Đơn cử như tin nhắn: “Mở bán đợt cuối căn hộ..., chiết khấu 17,5%, tặng 10 năm phí dịch vụ, khám bệnh, bể bơi, vay ngân hàng 0%, đã có sổ đỏ”, tin nhắn từ một số điện thoại của mạng Viettel... nổ.
Liên hệ theo số điện thoại trong tin nhắn, người đàn ông tự xưng nhân viên kinh doanh BĐS khẳng định có thể thực hiện đúng như cam kết. Khi bị vặn hỏi về việc ngân hàng nào cho vay lãi suất 0% cho dự án hạng sang như vậy cũng như vấn đề sổ đỏ, chiết khấu tới 17,5%, nhân viên này lảng, chuyển hướng đề tài và ậm ờ hẹn gặp để tư vấn một dự án khác.
“Chỉ 3 phút, tôi nhận được tới 4 tin nhắn rác từ các đầu số của mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone rao bán đủ loại BĐS với nhiều trò hứa hẹn khuyến mại tung trời. Không hiểu sao đợt này, tin nhắn rác hoành hành dữ dội như vậy mà cơ quan chức năng không xử lý”.
Chị Nguyễn Minh Thanh, một khách hàng của MobiFone
Bị “giội bom” tin nhắn rác vào ban đêm hoặc giữa giờ nghỉ trưa luôn là nỗi khiếp đảm với những người vì đặc thù công việc phải liên hệ với nhiều đối tác nước ngoài, không được tắt máy di động.
Chị Nguyễn Minh Thanh (Hà Nội), chủ số thuê bao 090324xxxx bức xúc: “Chỉ trong 3 phút, tôi nhận được tới 4 tin nhắn rác mời mua các dự án BĐS từ đầu số của mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone. Họ rao bán đủ loại BĐS với nhiều trò hứa hẹn khuyến mại tung trời. Không hiểu sao đợt này, tin nhắn rác hoành hành dữ dội như vậy mà cơ quan chức năng không xử lý”.
Anh Đ.A.Tuấn (Hà Nội) cho biết, vì tin quảng cáo từ tin nhắn rác, anh gặp rắc rối khi bị nhân viên của CEO Group dụ đặt cọc 30 triệu đồng với lời đảm bảo sẽ hỗ trợ vay 70% vốn từ Ngân hàng MBBank, để mua một căn hộ tại dự án của Cty CP Đầu tư Hải Phát nằm trên Quốc lộ 32.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng đặt cọc, nhân viên tư vấn trả lời ngân hàng không cho vay và giới thiệu sang vay ở HDBank với lãi suất cao hơn. Sau nhiều lần đi lại, thậm chí dọa kiện, anh Tuấn mới giải quyết được vấn đề. “Những tin nhắn rác kiểu này khiến không biết bao nhiêu người như tôi phải khổ”, anh Tuấn nói.
Tin nhắn rác đua nhau khủng bố người dùng di động. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giội “bom” từ hạng sang đến bình dân
Nội dung các tin nhắn rác tập trung quảng bá bán biệt thự, chung cư cao cấp đến bình dân. Nhiều nhất là quảng bá cho biệt thự Berjaya - Thạch Bàn (Long Biên), chung cư New Skyline (Văn Quán, Hà Đông)... Với phân khúc bình dân, chủ yếu là dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội), HH3 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội)...
Ngoài ra, nhiều chung cư cũng được tin nhắn rác rao bán cắt lỗ sâu lên tới vài trăm triệu đồng như: Khu Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), Golden Land (75 Nguyễn Trãi), Golden Place (Mễ Trì), Hyundai Hillstate (Hà Đông)...
Ông Vũ Văn Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) cho biết, dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều đơn vị tham gia phân phối dự án. Việc các sàn giao dịch tìm cách nhắn tin quảng bá bán căn hộ đến khách hàng, phía chủ đầu tư không nắm được.
Lãnh đạo Tổng Cty HUD - chủ dự án New Skyline (Văn Quán, Hà Đông) cho rằng, chủ đầu tư không muốn bán hàng theo cách này vì những dự án tên tuổi sẽ bị đánh đồng với dự án chậm tiến độ, kém uy tín. Tuy nhiên, khi nhiều sàn phân phối và mỗi sàn có hàng trăm nhân viên bán hàng sẽ không tránh khỏi nhân viên tìm đủ mọi cách tiếp cận khách hàng qua tin nhắn bởi áp lực doanh số, hàng tồn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, cách đây 5 năm, thông tin dự án tới người mua nhà còn buông lỏng thì nay mọi thông tin đều được cập nhật trên báo chí, qua mạng và tin nhắn.
Tuy nhiên, do quá nhiều thông tin trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn khiến thông tin bị nhiễu và có phần sai lệch. Do đó, tin nhắn chào mời mua bán BĐS không thể trở thành giải pháp cho doanh nghiệp mà còn tạo cảm giác hoài nghi, lo lắng cho khách hàng. “Người dân khi có ý định mua nhà, đất phải cẩn trọng trong việc tìm hiểu thông tin”, ông Châu khuyên.
Nhà mạng ngó lơ vì lợi nhuận?
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện VinaPhone khẳng định, hiện tượng spam tin nhắn qua các sim rác không mới. Nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp và khóa gần 440.000 sim rác gửi tin nhắn spam. Khi nhận được tin nhắn rác, thuê bao có thể phản ánh đến bộ phận chăm sóc khách hàng của VinaPhone theo đầu số 18001091 đề nghị xử lý.
“Hiện, VinaPhone vẫn áp dụng biện pháp chặn spam bằng cách hạn chế khi một thuê bao gửi liên tục số lượng lớn SMS. Nhưng trong một số trường hợp, sim rác gửi tin nhắn với số lượng nhỏ và dưới dạng tin nhắn từ cá nhân đến cá nhân thì rất khó kiểm soát. Chúng tôi không được phép can thiệp vào nội dung tin nhắn nên không có cơ sở xác định đó có phải tin nhắn rác không”, đại diện VinaPhone chia sẻ.
Đại diện MobiFone cũng cho biết đã triển khai các biện pháp để chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài. Mạng này cũng đã lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ các số thuê bao gửi tin với tần suất cao trước khi tin được gửi tới khách hàng.
“Chúng tôi tích cực kiểm tra việc thực hiện nhắn tin của các CP (đối tác cung cấp dịch vụ nội dung) và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm”, đại diện MobiFone cho biết.
Dù tuyên bố có hành động chặn tin nhắn rác, nhưng theo các chuyên gia, trong kinh doanh, giữa nhà mạng và các CP luôn tồn tại mối quan hệ lợi ích hợp tác. Hai bên sẽ cùng có lợi ích trong việc cung cấp dịch vụ nên một số trường hợp, có thể vì lợi nhuận mà nhà mạng không xử lý triệt để tình trạng tin nhắn rác.