Bác sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, kể lại: “Chiều 20-3-2010, tôi nhận được điện thoại của chị H.T.K.D ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đề nghị lấy tinh trùng từ người chồng bị tai nạn giao thông trước đó mấy giờ. Qua trao đổi, tôi nhận lời ngay và sau 20 phút thì có mặt tại BV huyện Thanh Trì, Hà Nội - nơi thi hài chồng chị D. đang được bảo quản”.
Lúc bác sĩ Vệ có mặt, chồng chị D. đã qua đời khoảng 6 giờ, thi thể lạnh ngắt. “Với linh cảm nghề nghiệp rằng tinh trùng vẫn sống, tôi đã rạch lấy túi tinh hoàn bên phải của nạn nhân cho vào hộp bảo quản mang về ngân hàng tinh trùng BV, chia làm 14 mẫu và lưu giữ ở nhiệt độ - 196 độ C. Cách đây gần 1 năm, theo đề nghị của chị D., BV đã thực hiện cấy phôi được nuôi từ tinh trùng của người chồng quá cố” - ông cho biết.
Bác sĩ Vương Văn Vệ và cặp song sinh được thụ tinh từ tinh trùng của người cha đã mất. |
Tỉ lệ thành công của các ca thụ tinh trong ống nghiệm thường chỉ đạt 30%-40% nhưng may mắn đã đến với chị D. ở lần thụ tinh đầu tiên. Bác sĩ Vệ cho biết BV đang bảo quản hơn 1.000 mẫu tinh trùng nhưng tại thời điểm năm 2010, lần đầu tiên BV thực hiện bảo quản mô tại ngân hàng. Chất lượng mô được bảo quản khó hơn nhiều so với tinh trùng.
Theo TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, trên thế giới và trong y văn thì việc thụ tinh từ tinh trùng của người quá cố là rất hiếm gặp. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam. Về y học, đó là thành công bởi chiết tinh trùng từ người sống đã khó nhưng BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội lại chiết tinh trùng từ mô của người chết rồi bảo quản trong nhiều năm. Thành tựu này cũng mở ra hy vọng cho những người đàn ông bị tai nạn, chẳng may tinh hoàn tổn thương thì vẫn giữ lại được để bảo quản. Ngoài ra, với những trường hợp mắc bệnh lý về ung thư, trước khi điều trị hóa chất, người bị hôn mê… cũng có thể được lấy tinh trùng và lưu giữ nếu gia đình có nguyện vọng.
Bác sĩ Vệ cho biết ngoài chị D., một trường hợp khác cũng mang bầu từ thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của chồng đã mất. Với trường hợp này, người chồng đã chủ động lấy tinh trùng lúc đang sống khỏe mạnh để gửi lưu trữ tại ngân hàng tinh trùng trước khi đi nước ngoài làm ăn.
Theo giới chuyên môn, tuổi thọ của tinh trùng trong điều kiện bảo quản tốt có thể lên đến 50 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chỉ những trường hợp thật cần thiết mới nên lưu giữ tinh trùng và chỉ được lấy tinh trùng khi cơ thể khỏe mạnh.
Theo Ngọc Dung
Người lao động