Khi lễ hội được trả lại “đúng ngày, đúng tiết trời”

Đội kỳ lân ra mắt chào khán giả. Ảnh: Hà Anh
Đội kỳ lân ra mắt chào khán giả. Ảnh: Hà Anh
TP - Ngày 16 tháng 2 năm 2017 (tức ngày 20 tháng Giêng âm lịch) vừa qua, lễ hội Lồng tổng Phủ Thông của người Tày, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn diễn ra đúng ngày theo tục lệ sau hai thập kỷ vắng teo vì “tổ chức sớm”.

Với nội dung phong phú, sự góp mặt của nhiều sắc thái văn hóa Đông Bắc, lễ hội được tổ chức với ý nghĩa tưởng nhớ vị tướng họ Dương bị tử trận trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước thời kỳ Lê - Mạc và cầu cho mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.

Làm hội sai ngày, dân tẩy chay

Từ năm 1996 trở về trước, lễ hội Lồng tổng Phủ Thông được tổ chức định kỳ vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Do đây là lễ hội dịp Tết được tổ chức gần như cuối cùng của khu vực nên thu hút khá đông sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh. Người dân địa phương ở đây luôn tự hào về lễ hội lớn nhất chợ Phủ này.

Năm 1997, sau khi tỉnh Bắc Kạn được tái lập, sợ dân chơi Tết quá dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo tiết giảm thời gian tổ chức hội hè, tập trung cho sản xuất nông nghiệp, lễ hội Lồng tổng Phủ Thông được ấn định tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh còn tổ chức Hội xuân Ba Bể nên lượng du khách đến với lễ hội ngày một thưa dần. Người dân địa phương do đó cũng không còn hào hứng với việc trẩy hội vào ngày mồng 10 âm lịch nữa.

Nghệ nhân Hoàng Hóa cư trú ở thị trấn Phủ Thông cho biết “Lễ hội Lồng tổng Phủ Thông nếu cứ tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng sẽ ngày càng vắng vẻ, cho tới khi biến mất luôn. Bởi tâm nguyện của đông đảo bà con trên địa bàn thị trấn là được chuyển thời gian tổ chức lễ hội về đúng với truyền thống từ xa xưa để lại”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo người dân và chính quyền địa phương, ngày 30 tháng 11 năm 2016, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp phép tổ chức Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Người dân địa phương hồ hởi tham dự vì lễ hội xưa đã được trả lại “đúng ngày,
đúng tiết trời”.

“Hoài cổ” xong, hút khách liền

Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban tổ chức đã khẩn trương vận động người dân đóng góp kinh phí để san gạt, xây dựng tạm địa điểm thờ tự vị tướng họ Dương bị tử trận trong thời kỳ chiến tranh Lê - Mạc mà người dân ở đây quen gọi là “slấn slảnh”. Theo truyền thống trước 1996, trong thời gian tổ chức lễ hội luôn có sự tham gia trình diễn của các đội kỳ lân đến từ một số huyện như Tràng Định, Bình Gia của tỉnh Lạng Sơn. Các đội lân này thường đến trước ngày chính hội một vài ngày để tham gia biểu diễn, thi đấu võ thuật cùng với đội lân của địa phương nên năm nay Ban tổ chức lễ hội đã đề nghị đội kỳ lân của xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn sang hỗ trợ biểu diễn. Sau gần nửa thế kỷ, người dân địa phương mới được mãn nhãn với các màn múa của sư tử, báo đông (con đười ươi), tua lình (con khỉ), các màn biểu diễn võ thuật như trình diễn võ tay không, thi đấu đinh ba, kiếm, dao, nhảy qua vòng lửa, trồng cây chuối trên bàn cao… Ông Lèng Văn Tý, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn khi tham gia lễ hội đã thốt lên: “Mấy chục năm nay tôi mới thấy có một lễ hội hay như thế này trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.

Trong sự thăng hoa, giao hòa của đất trời, cho dù mới là năm đầu khôi phục được một số tích và trò diễn từ xa xưa. Vừa mới năm đầu tiên “hoài cổ” đã đón gần 1 vạn du khách, điều này ngoài dự đoán của ban tổ chức.

Phát biểu về định hướng cho quá trình khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá tị nhân văn của lễ hội, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó bí thư thường trực - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Bạch Thông, trưởng ban chỉ đạo lễ hội cho biết: “Về lâu dài, địa phương cần xây dựng kế hoạch đào tạo đội kỳ lân cho địa phương. Bởi đây là điểm nhấn quan trọng trong lễ hội. Việc làm này cũng là nhằm góp phần thu hút thêm du khách về với lễ hội trong những năm tới, tạo đà cho quá trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bạch Thông”. 

Việc chuyển dịch thời gian mở hội không phải là chuyện bất thường, tuy nhiên quyết định đó luôn phải là sự lựa chọn của cộng đồng chủ thể lễ hội. Ở trường hợp  lễ hội Lồng Tồng trước đây quyết định được đưa ra từ lãnh đạo cấp trên, dân không đồng thuận thì đương nhiên người ta phản đối bởi họ cho rằng đó không phải là văn hóa của họ. Theo tôi biết thì cách quản lý lễ hội này khá phổ biến ở những tỉnh miền núi (như ép người Mông ăn Tết Nguyên đán), đó là quan điểm quản lý tiêu cực, can thiệp quá đà vào quyền văn hóa của người dân

                PGS.TS Bùi Quang Thắng

MỚI - NÓNG