Khi cử nhân chiếm chỗ công nhân

Khi cử nhân chiếm chỗ công nhân
TP - Chuyện ĐBQH Nguyễn Bá Thanh bút phê xin việc cho một thạc sĩ thất nghiệp phải đi làm công nhân vừa được báo chí đưa tin. ĐBQH mà nói và làm từng việc cụ thể cho dân như ông Thanh rất đáng được trân trọng, được cử tri tin tưởng.

> Chuyện của thạc sĩ đi làm công nhân
> Nhà khoa học bỏ viện, nông dân thành kỹ sư

Nữ thạc sĩ 25 tuổi này đã 3 năm nay không xin được việc, dù cô tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành Sư phạm Văn (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và tốt nghiệp loại giỏi thạc sĩ văn chương cũng tại ĐH nói trên.

Trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới căn bản, toàn diện, sự việc cụ thể này gợi lên cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm.

Trên thực tế, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng lại đi làm công nhân không hề hiếm. Báo chí từng đưa tin hàng trăm công nhân có bằng đại học đang làm việc tại công ty TNHH Điện tử Poster Đà Nẵng, thậm chí có người có tới 2 tấm bằng. Tuy nhiên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ mà đi làm công nhân cũng không hề dễ.

Giám đốc công ty TNHH Điện tử Poster Đà Nẵng cho hay, nhận vào rồi đều phải đào tạo lại các cử nhân này. Đơn giản là đào tạo kiến thức, kỹ năng cho một công nhân khác hoàn toàn với một cử nhân hay thạc sĩ. Và một khi cử nhân, thạc sĩ phải đi “chiếm chỗ” của công nhân, đó là sự lãng phí lớn cho xã hội! Làm đảo lộn mọi giá trị về bằng cấp. Chưa kể tình trạng 9 điểm 3 môn cũng ngồi trên ghế giảng đường, hay thi trượt đại học thì chui vào trung cấp, cao đẳng để “liên thông” ắt sẽ tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng kém.

Thử hỏi trong số hàng ngàn, hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay, có bao nhiêu người được đào tạo tới nơi tới chốn, bao nhiêu người đi lên từ “liên thông”, chuyên tu hay tại chức? Liệu bao nhiêu phần trăm trong số này thực sự đáp ứng được yêu cầu của công việc ? Đành rằng những chuyện tiêu cực trong tuyển dụng công chức cũng đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác, khiến có người bị thất nghiệp oan.

Thực tế, tại nhiều nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn như ở Đức, làm công nhân hay kỹ sư có mức lương trung bình không chênh nhau nhiều. Lựa chọn nghề nghiệp thường được họ định hướng từ rất sớm. Lao động trí óc hay lao động chân tay đều cần được đào tạo bài bản và được coi trọng như nhau. Không thích học lên cao thì đi học nghề cho giỏi, kiếm tiền có khi còn hơn cả mấy ông ngồi bàn giấy.

Tư duy quá coi trọng bằng cấp ở ta thường dẫn đến những xu hướng lệch lạc trong xã hội, kiểu như thừa thầy, thiếu thợ. Bất kể thầy hay thợ đều phải làm ra sản phẩm hữu ích mới được coi trọng. Nhà khoa học mà không chế tạo ra được máy bóc vỏ, tuốt lúa trong nông nghiệp thì bỏ viện khoa học ra đi kể ra là đúng. Mấy anh hai lúa song lại chế tạo được máy móc ngon lành cho bà con xài nên mời về công tác với Viện, thế chỗ cho mấy nhà khoa học kia.

Mong sao sau khi ông Thanh bút phê, cô thạc sĩ bằng đỏ ở Đà Nẵng kể trên sẽ kiếm được chỗ làm việc như ý, đúng với chuyên môn được đào tạo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG