Khi con người trở thành hàng hóa

Khi con người trở thành hàng hóa
Theo công bố mới nhất từ Bộ Công an, Việt Nam hiện là địa bàn của các hoạt động đưa người di cư, xuất khẩu lao động trá hình cũng như nhiều đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em, tế bào thai, nội tạng ra nước ngoài.
Khi con người trở thành hàng hóa ảnh 1
Các bị cáo trong một đường dây buôn bán phụ nữ bị xét xử

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2008 đã có 193 vụ, với hơn 430 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Như vậy, trung bình mỗi ngày, có ít nhất 2 phụ nữ, trẻ em bị những kẻ buôn người biến thành hàng hóa.

Gần 50% nạn nhân là người mù chữ

Từ năm 2005 đến nay, cả nước phát hiện gần 1.100 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em với 1.980 đối tượng tham gia, lừa bán 2.800 phụ nữ trẻ em.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì tình hình phụ nữ trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do, nghi bị buôn bán ngày càng gia tăng.

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có gần 50% phụ nữ, trẻ em bị bán qua biên giới không biết chữ, gần 40% mới học xong bậc tiểu học và 88% nạn nhân đều thuộc diện gia đình khó khăn.

Buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra ở 4 tuyến rõ rệt: 2 tuyến đầu diễn ra ở khu vực biên giới Việt - Trung (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng... chiếm 70% tổng số vụ trên toàn quốc) và biên giới Việt Nam - Campuchia; tuyến thứ ba buôn bán quốc tế tới các địa điểm như Macau, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và tuyến cuối cùng buôn bán trong đất liền, xuyên qua Campuchia và Lào đến Thái Lan và Malaysia.

Hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ diễn ra bằng đường bộ. Các tổ chức tội phạm trong nước và quốc tế còn hợp pháp hóa hoạt động qua việc tổ chức cho nạn nhân đi du lịch, hợp tác lao động... bằng đường hàng không và đường biển, sau đó đưa họ sang Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Malaysia, Đài Loan... để ép buộc bán dâm.

Nam giới cũng... bị bán

Cùng với sự bùng nổ rầm rộ về số lượng các vụ buôn người thì tính phức tạp cũng ngày một tăng lên. Không chỉ phụ nữ bị buôn bán để làm nô lệ tình dục hay làm vợ, ngay cả nam giới cũng bị lừa bán để khai thác sức lao động và bán nội tạng, như vụ 6 nam thanh niên bị lừa bán sang Trung Quốc để bóc lột lao động mới đây tại Lào Cai và Hải Dương.

Theo Tổ chức Chương trình quốc tế của Liên Hợp Quốc về nạn buôn người ở khu vực hạ Mê Kông (UNIAP), buôn bán người là loại tội phạm diễn ra rất tinh vi và phức tạp. Đây là một vấn nạn lớn nhưng cũng là một vấn nạn được che giấu, vì thế khó nói được con số chính xác (các vụ án và bị can).

Hình thức buôn bán người ở mỗi nơi một khác. Ở chỗ này là buôn bán phụ nữ và trẻ em để làm mại dâm, ở chỗ kia là để làm lao công trong các nhà máy, trong lĩnh vực nông nghiệp, chỗ khác lại bắt buộc trẻ em đi ăn xin hoặc làm con mồi cho dịch vụ kết hôn.

Bán từ người quen đến... người thân

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS),  những thủ phạm buôn người có thể chính là người thân, bạn bè hoặc người cùng làng xã của các nạn nhân. Chính vì vậy, chúng có thể dễ dàng chiếm được lòng tin của các nạn nhân khi lừa phỉnh đưa họ đi thành phố, hoặc sang biên giới kiếm việc làm, nhưng thực chất là bán họ làm hàng hoá.

Một nạn nhân sau khi được trở về nhà cho biết đã đồng ý theo một người phụ nữ sang Trung Quốc tìm việc, vì "cô ta biết cả gia đình em". "Cô ấy đã có chồng, có con và chơi với cả các anh trai của em. Em không thể tưởng tượng được rằng cô ta dám bán em, trong lúc biết rõ rằng các anh của em rất ghê gớm" - Cô gái mới 16 tuổi cho hay.

Mức giá mà những kẻ buôn người nhận được thường từ 5 - 7 triệu đồng cho một phụ nữ. Tuy nhiên, mức giá đó có thể cao hơn nhiều, nếu đó là những cô gái xinh xắn. Theo nghiên cứu của ILO, đàn ông Trung Quốc thường trả từ 7.000 - 8.000 Nhân dân tệ cho một cô dâu Việt "ưa nhìn". Nếu cô gái không xinh, giá sẽ giảm xuống còn 3.000 - 4.000 ND tệ.

Ông Paul Buckley - Quan chức UNIAP - nhấn mạnh tình trạng buôn bán người trên thế giới và trong khu vực cũng đang là vấn nạn phức tạp và nhức nhối của các nước. Lợi nhuận của việc buôn bán người mỗi năm lên đến 31 tỷ USD. Bọn tội phạm này còn liên quan chặt chẽ đến tội phạm buôn bán vũ khí và ma túy.

Ông Paul cho rằng, để phòng chống buôn bán người đạt được hiệu quả cao, Chính phủ các nước sở tại phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em gái ở vùng nông thôn nghèo cần phải được trang bị kiến thức pháp luật, xã hội, và phải có nghề nghiệp ổn định.

Theo Anh Phương
Lao động

MỚI - NÓNG