Khi chồng tan sở mà không muốn về

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tan sở, thay vì về nhà như mọi thành viên khác thì một số ông chồng lại viện đủ lý do: Làm thêm việc cơ quan, bạn ở quê ra, đi gặp đối tác, thăm người ốm...

Nhiều bà vợ đã "lộn ruột" khi phát hiện ra sự thật của những cuộc hẹn to tát của chồng lại là những cuộc trà dư tửu hậu tầm phào.

"Bực không chịu nổi"

Chị Vũ Thị Huế, giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội kể với PV Báo GĐ&XH: "Đừng tưởng chỉ phụ nữ mới thích "buôn dưa lê".

Cánh đàn mà gặp nhau là cũng đủ chuyện trên trời dưới bể. Ông chồng mình cũng thuộc tuýp đó, suốt ngày ngồi quán trà đá, cà phê, rồi sang quán bia bù khú với bạn mà quên đường về sau giờ tan sở.

Các ông toàn bịa chuyện công việc, chuyện hợp đồng nọ kia để ngồi buôn dưa lê với nhau. Ngày nào cũng như ngày nào, toàn 7 - 8 giờ tối mới mò về, bực không thể chịu nổi".

Chồng quá mải chơi, không chịu về nhà sau giờ tan sở khiến không ít người vợ trẻ đã bàn mưu tính kế "điều trị". Họ lên mạng mở diễn đàn, thậm chí là lập hội "những người có chồng hay nhậu", "có chồng mải chơi" để tìm ra biện pháp.

Chị Mai Thị Thu Huyền, ở đường Cầu Giấy, Hà Nội nói: "Mọi thứ khác của chồng mình có thể chấp nhận được, riêng tính ham chơi thì càng ngày càng không thể chịu nổi. Một tuần trung bình lão ấy đi nhậu 3 buổi, mà đi tận 12h đêm mới mò về, mùi rượu nồng nặc, có khi nôn ọe lung tung. Mình đã tìm mọi cách, nhẹ nhàng có, cáu gắt có, nhờ bố mẹ chồng, nhờ cả con tác động, nhưng đều... bó tay".

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thúy Hà, ở Phủ Lý, Hà Nam chia sẻ nỗi ấm ức: "Bạn cơ quan, đồng nghiệp, đồng niên mà "ới" là lão ta đi ngay. Mình cằn nhắn, lão lý luận đại loại là "anh em họ tốt với mình thì mình cũng phải tốt với họ". Mình phát hiện ra những hôm chồng đi công tác, ba mẹ con cơm nước xong thấy thoải mái vì có thời gian dạy con học, đi ngủ sớm chứ không phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ cửa, thấp thỏm lo chồng vì say rượu mà tai nạn...".

Đến tuổi nào sẽ… chán?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết, có rất nhiều lý do khiến các ông chồng không muốn về nhà sau giờ tan sở: Ham vui, cả nể bạn bè, trốn việc nhà, chán cảnh con nheo nhóc, vợ càu nhàu...

Có ông chồng sợ vợ nên cũng sửa đổi, về nhà sớm, nhưng chỉ được một thời gian đâu lại đó. Nếu có về nhà sớm, vợ có nhờ làm gì thì cũng làm một cách gượng ép, đối phó, qua loa cho xong chuyện. Thậm chí, họ không làm gì, chỉ nằm khểnh đọc báo, xem tivi...

Các bà vợ "lạt mềm" mãi trước cảnh bất công đó nên dẫn đến cáu bẳn, cằn nhằn. Có người mắng chồng, người không mắng được chồng thì quay ra mắng con, mắng mèo, mắng chó... Các bà vợ trở nên lắm lời, còn các ông chồng không chịu được nên bịa đủ lý do để thoát khỏi không gian gia đình chật hẹp. Vòng luẩn quẩn này lại khiến căn bệnh "không muốn về nhà" của chồng càng khó chữa.

Lý giải về hiện tượng không muốn về nhà sau giờ tan sở, chuyên gia tâm lý Trịnh Quỳnh Chi, Trung tâm tư vấn An Việt Sơn lại cho rằng: Đàn ông thường xem quãng thời gian sau giờ tan sở là để được nghỉ ngơi, xả stress. Người tập thể dục thể thao, người gặp gỡ bạn bè, người tham gia các cuộc nhậu... Tất cả những hoạt động này chung quy là để được gặp gỡ giao lưu, trò chuyện với bạn bè. Trò chuyện giúp họ thấy khoan khoái, được cười nổ trời, được an ủi tinh thần, được thấy mình có hào khí...

Tuy nhiên, theo bà Quỳnh Chi, có một thực tế là các ông chồng thường chỉ hay "đi" đến tuổi 40, 45 thì bắt đầu chững lại. Lúc này họ về nhà đúng giờ giấc hơn, không phải là về nhà sớm để giúp đỡ vợ con mà về để đi bộ, tập thể dục, tưới cây... Lúc này, đàn ông tự thấy rằng việc la cà quán xá với bạn bè không mang lại lợi ích gì cho bản thân, hơn nữa những triệu chứng bệnh như tiểu đường, mỡ máu... cũng bắt đầu xuất hiện nên họ thấy mình cần phải sống điều độ hơn.

Lôi kéo cách nào?

Đàn ông cần có các mối quan hệ xã hội rộng rãi để thăng tiến và làm kinh tế. Vì thế, các cuộc gặp gỡ, giao lưu là điều cần phải có.

Tuy nhiên, nếu phát hiện chồng bạn chỉ suốt ngày bù khú với những cuộc trà dư tửu hậu vô bổ, người vợ cần có chiến thuật để kéo anh ta về nhà.

Tùy tính cách của từng ông mà vạch ra "phác đồ điều trị", tuy nhiên có một công thức chung gần như người đàn ông nào cũng dễ bị... dụ dỗ, đó là một tổ ấm sạch sẽ, gọn gàng, những món ăn hợp ý, sự đầm ấm yên vui do sự quán xuyến chu toàn của vợ.

Theo Gia đình & xã hội

MỚI - NÓNG