Khi “cái tôi” của nàng quá lớn

Khi “cái tôi” của nàng quá lớn
TPCN - “Thôi, từ nay trở đi việc anh anh làm, việc tôi tôi lo, không can hệ gì đến nhau nữa”, câu nói của em có mặt cả bố mẹ như một nhát dao sắc lẹm chặt đứt sợi dây ràng buộc vốn đã mong manh giữa hai đứa.
Khi “cái tôi” của nàng quá lớn ảnh 1

Khi chưa bước vào hôn nhân, tôi không thể hình dung cuộc sống của mình sẽ có kết cục như thế sau bao nhiêu ngày tháng yêu thương hạnh phúc.

Chúng tôi quen nhau vào đúng ngày 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam. Em không đẹp nhưng lại làm hút hồn tôi bởi đôi mắt buồn rất có hồn.

Ngày ấy tôi như chàng hiệp sĩ qua đường muốn giải mã những bí ẩn thẳm sâu trong đôi mắt ấy. Rồi em yêu tôi, chóng vánh đến ngỡ ngàng. Tôi phân vân, phải chăng em muốn trốn chạy khỏi sự đau khổ khi bị thất bại trong mối tình đầu?

Sau một vài phép thử, tôi tin vào tình yêu của em. Nhưng ở đời ai học hết chữ ngờ. Nhìn em rạng rỡ tươi tắn trong bộ váy cô dâu, hạnh phúc đi bên tôi, ai biết được rằng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Tuần trăng mật trôi qua, cuộc sống đời thường với biết bao lo toan trăn trở. Lúc này chiếc mặt nạ của tình yêu cũng rơi xuống, bao khuyết điểm mới bộc lộ ra.

Vốn được nuông chiều, cô dâu của tôi chẳng có một chút hiểu biết gì về tề gia nội trợ. Tệ hơn là cách ứng xử với bố mẹ chồng. Buổi sáng em nằm đến sát giờ đi làm mới dậy, mặc bố mẹ dậy sớm thổi cơm.

Em thản nhiên: “Ôi giời, thời buổi bây giờ ai ăn cơm buổi sáng, ra ngoài thích ăn gì thì mua”. Sống chung nhà với bố mẹ chồng đấy nhưng phương châm sống của em là “thân ai nấy lo, việc ai người ấy làm…”.

Việc chi tiêu của em còn khủng khiếp hơn. Tuy thu nhập cao nhưng chưa bao giờ em mua một thứ gì về gia đình thậm chí đó là ngày rằm, ngày lễ hay ngày tết.

Quan hệ mẹ chồng con dâu xấu đi trông thấy. Sự lạnh lùng và ích kỷ của em khiến không khí gia đình căng thẳng. Tôi đã góp ý rồi phê bình. Không được, tôi lại lao vào dọn dẹp, làm các việc nhà, mua bán những thứ cần thiết với hy vọng bằng chính hành động của mình làm thay đổi hành vi và nhận thức của em.

Tôi tiếp tục thất bại, còn mẹ tôi thì ngày càng giận. Chuỗi mâu thuẫn muôn thủa mẹ chồng nàng dâu thêm dài ra trong gia đình. Em muốn được chiều chuộng và yêu thương nhưng lại không muốn vì người khác.

Sức chịu đựng của con người chỉ có hạn. Những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng nổ ra liên miên, tiếp theo là chiến tranh lạnh. Hết trận này lại đến trận khác. Tình cảm nguội dần còn trái tim tôi tan nát. Tình yêu sau hôn nhân là như thế này ư?

Một số người an ủi tôi: “Nhà nào mà chả có một hũ mắm”. Không, tôi không tin tất cả đều như vậy. Nhìn gia đình bạn bè, đồng nghiệp hạnh phúc mà tôi thấy thấy khát khao đến cháy lòng. Các cụ vẫn nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. “Người xây tổ ấm” của tôi đâu rồi?

Cuộc sống đồng sàng dị mộng chỉ kéo dài một thời gian. Lấy cớ sửa nhà bụi bặm, em xin về nhà bố mẹ đẻ và bố mẹ tôi đã đồng ý. Hành trình đi tìm đáp số cho bài toán hạnh phúc gia đình của tôi chưa dừng lại.

Nhưng ý nghĩ chia tay nhau đến với tôi ngày càng lớn. Ly thân để hai người có thời gian suy nghĩ lại chuyện đã qua. Tôi đang sống trong những ngày tâm trạng giằng xé: ly hôn hay tiếp tục sống? Đôi lúc tình cảm còn vấn vương lại trỗi dậy, nhưng nó chỉ ngắn ngủi như tia nắng quái chiều hôm bị “cái tôi” của em che phủ. Liệu nó có kịp xuyên thủng “cái tôi” ấy trước khi tắt lịm?

Hỡi các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Xây dựng gia đình là một vấn đề hệ trọng, đừng quá tin vào cảm giác ban đầu hay một vài phép thử. Tình yêu cần thời gian tìm hiểu và trải nghiệm. Có những sai lầm có thể sửa chữa nhưng sai lầm trong hôn nhân thì phải ngậm ngùi trả giá có khi bằng cả cuộc đời.

Trong không gian tĩnh lặng của một đêm đầu Đông lạnh buốt, văng vẳng từ nhà bên tiếng ầu ơ ru con của người mẹ trẻ nghe đến nao lòng:

“Cầm vàng mà lội biển Đông,
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”.

 Hà Nội ngày 18/11/2005

 Nguyễn Hoàng Hải

MỚI - NÓNG