Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam vừa được khánh thành tại Thái Bình - Ảnh: Hoàng Long
Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam vừa được khánh thành tại Thái Bình - Ảnh: Hoàng Long
TPO - Tối 12/12, tại Quảng trường Thái Bình (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam.

Với vị trí, vai trò là tỉnh có truyền thống về nông nghiệp, tỉnh Thái Bình được xem là vựa lúa ở phía Bắc, có vai trò to lớn trong cung cấp nguồn lương thực. Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến, với các phong trào thi đua, nổi bật là phong trào "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, "quê hương 5 tấn" Thái Bình là hậu phương vững chắc về lương thực cung cấp cho tiền phương chống giặc. Đặc biệt, Bác Hồ đã 5 lần về thăm quân dân tỉnh Thái Bình.

Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tham dự buổi lễ - Ảnh: Hoàng Long

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt tới tầng lớp nông dân. Nhằm tưởng nhớ lòng thương yêu vô bờ bến của bác tới giai cấp nông dân cũng như thể hiện lòng tôn kính của nông dân cả nước nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng tới vị cha già dân tộc, từ năm 2013, Ban Bí thư TƯ Đảng đã đồng ý xây dựng tượng đài Bác Hồ với nông dân và chọn tỉnh "quê lúa" Thái Bình làm địa điểm xây dựng tượng đài.

Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam ảnh 2

Từ năm 2014, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành quy hoạch và tiến hành các bước xây dựng tượng đài và Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Thái Bình. Sau 4 năm thi công toàn bộ công trình, trong đó tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam" được thi công từ tháng 10/2018, đến nay toàn bộ công trình đã được hoàn thành, đúng dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Thái Bình.

Tại buổi lễ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tham gia nhấn nút khánh thành tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam".

Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam ảnh 3

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tỉnh Thái Bình khánh thành tượng đài - Ảnh: Hoàng Long

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu quân và dân Thái Bình đạt được trong các thời kỳ.

Nhắc lại sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với giai cấp nông dân, Thủ tướng khẳng định "phi nông bất ổn", đến nay vị trí giai cấp nông dân và ngành nông nghiệp vẫn đóng góp to lớn cho đất nước. Nhà nước cũng có sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển cả về vật chất, tinh thần của nông dân, nông thôn.

Vì vậy, việc xây dựng "Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam" là ghi nhớ sự quan tâm của Bác đến giai cấp nông dân, hành động tưởng nhớ công lao của Bác, tiếp tục không ngừng học tập, làm theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam ảnh 4  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - ẢnhL Hoàng Long  

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, trong bất kỳ thời điểm nào, an ninh lương thực cũng luôn đóng vai trò quan trọng. Sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, lương thực và các mặt hàng nông sản đang thức đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển. Do đó, tượng đài còn là sự nhắc nhở về vai trò quan trọng cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai của giai cấp nông dân ở nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh trong mục tiêu hướng đến một Việt Nam hùng cường, với số lượng chiếm 1/2 dân số cả nước, việc nâng cao đời sống của người nông dân là rất quan trọng. Vì vậy, cùng với yêu cầu mỗi người nông dân cần tự vươn lên trong cuộc sống, Thủ tướng kêu gọi tiếp tục đầu tư đổi mới nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân.

Trong chuyến công tác tại Thái Bình, sáng hôm nay 13/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ dự Lễ khởi công, động thổ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình, đặt tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Tượng được làm bằng đá xanh nguyên khối, khắc hoạ Bác trong bộ quần áo giản dị, nụ cười đôn hậu - hình ảnh người cha 5 lần về với Thái Bình, về thăm những người nông dân, thăm những cánh đồng. Xung quanh Bác là các cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em... đang hướng về Bác.

Xung quanh tượng đài là các mảng phù điêu thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của nông dân Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là hình ảnh làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước... những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình.

Giáp tượng đài là công trình Đền thờ Bác Hồ. Đền thờ Bác Hồ có diện tích 3.500 m2, tọa lạc trên đỉnh đồi cao, uy nghiêm và tạo được nhiều lớp kiến trúc, trong khuôn viên Quảng trường Thái Bình bên sông Trà Lý. Từ xa Đền thờ Bác như một bông hoa sen đang nở. Các cánh sen là các đạo mái của công trình vươn dần lên cao.

Bậc cấp, lan can, sân bằng đá xanh với hoa văn trang trí mềm mại. Đền thờ Bác Hồ mang phong cách Á Đông, gần gũi, trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là công trình tâm linh để Nhân dân, nhất là bà con nông dân cả nước, du khách gần xa có dịp bày tỏ lòng biết ơn, niềm thành kính, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị cha già dân tộc.

Nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An, thành viên Hội đồng nghệ thuật, giám sát mỹ thuật nhận xét: Công trình có bố cục đẹp, độc đáo, tỷ lệ tương xứng đồng đều, mang tính mỹ thuật cao. Khác với các địa phương khác trong cả nước, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Thái Bình rất đặc biệt, cả một bức phù điêu và nhóm tượng đều hướng về Bác với một tâm trạng hồ hởi của bao người khi đón Bác về thăm Thái Bình. Để tô điểm cho quê hương Thái Bình, mặt sau các mảng phù điêu là hình ảnh sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước... Đây là những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa của Thái Bình.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.