> Nâng cao năng lực quản lý vùng bờ biển
> Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ tối thượng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ. |
Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa… Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. Từ bao đời nay, tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ biết bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Ngày nay chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học của lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao chính nghĩa, lẽ phải, phát huy nội lực đi đôi với tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển, tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước luật Biển năm 1982 của LHQ.
Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước luật Biển năm 1982 của LHQ, đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta.
Trong khi kiên trì phấn đấu, tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, Việt Nam yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình;
Tăng cường các nỗ lực, xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học chống tội phạm, cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và một bên là Trung Quốc;
Hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục.
Việc xử lý những vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, không để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa nước ta và các nước liên quan.
Các chiến sĩ đảo Đá Lớn tuần tra trên biển. Ảnh: TTXVN. |
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển; hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả để quản lý chặt chẽ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển đảo cho sự nghiệp phát triển của đất nước vì lợi ích của nhân dân.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển các vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển các vùng đồng bằng và đô thị theo định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có chính sách thích hợp để hình thành các doanh nghiệp mạnh, đồng thời huy động các thành phần kinh tế trong nước và nguồn lực quốc tế để khai thác có hiệu quả các tiềm năng về biển và hải đảo, đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách nhà nước.
Tăng nhanh tỉ trọng của kinh tế biển vào tăng trưởng của cả nền kinh tế, tăng cường và thực thi có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để bảo vệ ngư dân, các lực lượng làm kinh tế và các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng phải gắn với bảo vệ môi trường, phải lấy phòng ngừa ô nhiễm làm phương châm hành động, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ và tái tạo môi trường. Phải huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.
Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển đảo, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế, cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Sáu là, các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi người Việt Nam chúng ta.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, yêu biển đảo, chúng ta tin tưởng rằng, các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên sẽ được thực hiện với hiệu quả ngày càng cao, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trao bằng khen cho 13 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững biển, đảo Việt Nam, trong đó có Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đại tá Ngô Quang Tiến, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Báo Tuổi Trẻ cũng trao cho Vùng 4 Hải quân 3 tỷ đồng, là số tiền bạn đọc đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.