Khám 'nội thất' trước ngày lên xe hoa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cách đây 30 năm, một thanh niên đã phản ứng khá mạnh khi bị “nhạc phụ đại nhân tương lai” yêu cầu đi khám sức khỏe và lấy kết quả xét nghiệm, rồi hẵng tính đến chuyện cưới hỏi.

Anh chàng giận xanh mặt, cho rằng nhà gái coi thường mình, nghi ngờ mình có quá khứ “ăn chơi sa đọa, từng mắc giang mai, lậu” nên mới có thái độ như vậy. Cha cô gái là một thầy thuốc phải từ tốn giảng giải “làm thế là quan tâm đến sức khỏe của bản thân, cũng là thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm với hôn nhân và người bạn đời”, thanh niên mới vỡ lẽ và thực hiện.

Khoảng 20 năm trước, một chàng trai du học về, chủ động đưa giấy khám sức khỏe và phiếu xét nghiệm cho phụ huynh bạn gái, đồng thời xin phép đưa cô đi bệnh viện khám liền nhận một cái liếc mắt sắc như dao: Tui nuôi con từ nhỏ tôi biết, con gái tui ngoan ngoãn và hoàn toàn nguyên bản. Gả con gái chứ có phải heo xuất chuồng đâu mà phải đóng mộc thú y “hàng đủ tiêu chuẩn chất lượng”. Chàng phải xin lỗi gãy lưỡi, nhà gái mới nguôi giận và hôn sự vẫn được tiến hành.

Khoảng mươi năm trở lại đây, chuyện nam nữ đi khám sức khỏe trước khi về chung một nhà không còn xa lạ gì trong cộng đồng. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng coi đó là cần thiết.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho một cuộc sống mới với mỗi cặp đôi. Tiền hôn nhân không chỉ tính riêng những cặp trai gái chuẩn bị cưới, mà được tính từ lúc một vị thành niên bắt đầu có khả năng sinh sản (nam có “giấc mơ ướt”, nữ có chu kỳ “đèn đỏ”) đến khi kết hôn, kể cả người tầm 40 tuổi mà chưa từng lên xe hoa.

Theo các chuyên gia, nên lập kế hoạch khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi cưới tối thiểu từ 3 - 6 tháng để đánh giá sức khỏe tổng quát, nhất là ai có kế hoạch sinh em bé ngay sau khi kết hôn. Các bạn trẻ sẽ thu được nhiều lợi ích khi đi khám:

Phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh truyền nhiễm: Nếu một trong hai vợ chồng mắc bệnh sẽ dễ dàng lây cho người còn lại và đặc biệt là con cái. Chẳng hạn các bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, lậu, HIV, viêm gan siêu vi B…)

Kiểm tra sức khỏe sinh sản: Nhờ xét nghiệm, phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể và di truyền như bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Nếu có bố, mẹ hoặc cả hai mang gen bệnh thì thai nhi có nguy cơ biểu hiện di truyền 25% - 100%, gây hậu quả thai lưu, trẻ tử vong ngay sau khi sinh/sau vài năm đầu đời hoặc để lại những di chứng sức khỏe nặng nề ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bé sau này. Vợ chồng được chuẩn bị tâm lý, dự phòng bệnh tật khi con chào đời.

Phát hiện sớm nguy cơ hiếm muộn, vô sinh tiềm ẩn để có biện pháp chạy chữa kịp thời, tăng khả năng điều trị khỏi bệnh. Tránh tình trạng mặc cảm, nghi ngờ, cãi vã, gây lục đục làm đổ vỡ hạnh phúc về sau.

Bác sĩ tư vấn thời điểm sinh con tốt nhất; những điều cần lưu ý như lịch trình tiêm vaccine, chế độ dinh dưỡng, bổ sung các khoáng chất trong suốt quá trình mang thai để em bé chào đời khỏe mạnh, thông minh.

Khám 'nội thất' trước ngày lên xe hoa ảnh 1

Ảnh minh họa

Giúp kiểm tra các bệnh lý mạn tính: Giúp đôi vợ chồng hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của bản thân và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đặc biệt, các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường ở mẹ có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của cả mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai.

Kiểm tra tình trạng thể lý ảnh hưởng đến đời sống tình dục và xử lý sớm (chít hẹp bao quy đầu, thoát vị đùi/bẹn, xoắn thừng tinh…); được tư vấn về tình dục lành mạnh, an toàn, văn minh; được giới thiệu về các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch…, tạo tâm lý thoải mái, tự tin bước vào cuộc sống chung.

Trước khi đi “kiểm tra nội thất, phụ tùng, máy móc”, các bạn trai, bạn gái cần chuẩn bị: “Khai báo” đầy đủ tiền sử sức khỏe của bản thân: bị dị ứng với các loại thuốc/thực phẩm nào; những bệnh lý mắc phải; đã tiểu phẫu/phẫu thuật gì trước đây...; Cung cấp thông tin sức khỏe, bệnh tật của các thành viên trong gia đình, dựa vào đó bác sĩ sẽ đánh giá các nguy cơ dựa trên tiểu sử gia đình. Giúp phòng bệnh và làm một số xét nghiệm sàng lọc cần thiết nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu, chỉ nên uống nước lọc và không uống các chất kích thích như cà phê, rượu, bia... trong vòng 12 tiếng trước khi xét nghiệm máu. Không uống những loại vitamin hay khoáng chất trong vòng 24 giờ trước lúc làm xét nghiệm; Để xét nghiệm nước tiểu, tinh dịch đồ đem lại kết quả chính xác, cần thực hiện vệ sinh tay và cơ quan sinh dục bên ngoài, chỉ lấy nước tiểu bằng một tay và không chạm vào mặt trong của lọ đựng phẩm bệnh...; Phụ nữ mặc trang phục thuận tiện, hạn chế đeo trang sức, phụ kiện để việc thăm khám dễ dàng hơn. Chỉ nên đến khám sau sạch kinh 5-7 ngày.

Hiện nay các tỉnh, thành phố đều có vài địa chỉ khám sức khỏe tiền hôn nhân tin cậy, uy tín để các cặp đôi chọn lựa dịch vụ.

Trong xã hội văn minh, các cặp đôi cần có ý thức trang bị kiến thức, tâm lí, kỹ năng, tài chính khi bước vào đời sống hôn nhân. Bởi vậy, bên cạnh tình yêu và sự đồng cảm, yếu tố quan trọng góp phần duy trì hạnh phúc lứa đôi là đời sống tình dục hòa hợp, vợ chồng và con cái khỏe mạnh. Tác giả Diệp Tuyên đã viết trong “Hôn nhân giấy”: “Tình yêu và hôn nhân không giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất là ở chỗ: tình yêu phóng đại ưu điểm còn hôn nhân phóng đại nhược điểm”. Phiếu khám sức khỏe của bác sĩ thì chẳng phóng to hay thu nhỏ, chỉ đưa cho bạn kết quả sức khỏe hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.