TPO - Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sau khi trực tiếp kiểm tra và đi thử tàu kỹ thuật dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã cam kết đưa dự án vào vận hành thương mại từ tháng 12 tới.
Làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, các nhà thầu cho hay, hiện những hạng mục quan trọng nhất của dự án đã hoàn thành.
Ông Đường Hồng, Giám đốc Ban điều hành dự án (thuộc Tổng thầu EPC - Trung Quốc) cho biết, hiện dự án đang gặp vướng trong giải ngân vốn cho các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công, và đấu nối điện để vận hành thử và nghiệm thu thiết bị kỹ thuật.
Trong tổng số hơn 250 triệu USD vay bổ sung cho dự án, tới nay mới giải ngân được 1 đợt, với giá trị 7,2 triệu USD dẫn tới ảnh hưởng tiến độ công trình. “Việc giải ngân vốn chậm có cả lý do từ quy định và thủ tục, hồ sơ từ phía nhà thầu, hiện khối lượng vốn chưa giải ngân còn rất lớn. Tôi yêu câu Ban quản lý dự án nửa tháng báo cáo bộ 1 lần để kịp thời tìm giải pháp thao gỡ vướng mắc nếu có”, ông Thể nói, đồng thời yêu cầu các bên ngồi lại với nhau, phần nào đã xong thì nghiệm thu để thanh toán trước.
Với các hàng mục, thiết bị đã lắp đặt, nhưng chưa có điện để chạy thử và nghiệm thu, ông Thể yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục tạm ứng trước 70-80% giá trị khối lượng cho các nhà thầu.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp chạy thử trên tàu kỹ thuật dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Ngoài vướng mắc về vốn, hiện việc đấu nối điện cao thế cho dự án cũng chưa thực hiện được, do vướng về quy định và tiêu chuẩn giữa Việt Nam và thiết kế kỹ thuật của dự án. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực và tổng thầu EPC để giải quyết các vướng mắc, sớm đấu nối nguồn điện để vận hành hệ thống kỹ thuật, sớm nghiêm thu các hạ tầng liên quan tới điện”, ông Thể nói.
Bộ trưởng GTVT tin tưởng, chắc chắn dự án sẽ kịp hoàn thành để đưa vào vận hành kỹ thuật vào tháng 10 và khai thác thương mại trong tháng 12 năm nay.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, dự án có thể đưa vào vận hành kỹ thuật vào tháng 10 tới, nhưng có thể vẫn còn một số hạng mục phụ vẫn phải tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, việc vận hành kỹ thuật phải đảm bảo để rút kinh nghiệm, chỉnh sửa hoàn thiện để đưa vào vận hành thương mại trong tháng 12.
Ông Thể tin tưởng, với công nghệ tiên tiến của Trung Quốc áp dụng cho hệ thống đường sắt đô thị tại Thủ đô Bắc Kinh (cũng vừa đưa vào vận hành), đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Việt Nam triển khai các dự án đường sát đô thị khác đang triển khai và tương lai sẽ triển khai.
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới nhất của Trung Quốc áp dụng cho đường sắt tại Bắc Kinh.
Theo các nhà thầu, hiện vướng mắc lớn nhất là tiến độ giải ngân vốn đang chậm. Trong tổng số 250 triệu USD vốn bổ sung, mới giải ngân được 7,2 triệu USD. Ông Thể yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để sớm hoàn thành các hạng mục thi công.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có tổng chiều dài hơn 13 km, với 12 ga và 1 depot (đặt tại Yên Nghĩa). Dự án có tổng mức đầu tư 868,04 triệu USD, trong đố vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD.