Khách sạn Daewoo trong tay bà Trương Mỹ Lan: Nhiều đại gia nhòm ngó, qua tay nhiều chủ

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp nhà bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiếm 93,6% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Đây là khách sạn từng có vị thế vào hàng bậc nhất Việt Nam và qua tay nhiều đời chủ.

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị bán Khách sạn Daewoo và nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, CTCP Bông Sen của gia đình bà chiếm 93,6 % cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội.

Khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam

Daewoo Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội, được xây năm 1996. Thời gian đầu hoạt động, Daewoo là khách sạn lớn nhất Hà Nội, thu hút giới doanh nhân và chính khách trong và ngoài nước.

Khách sạn Daewoo Hà Nội nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm cửa ngõ phía Tây của Thành phố với hơn 400 phòng.

Đây là một phần trong dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại Daeha, với tổng diện tích gần 3ha. Tổ hợp này bao gồm 3 tòa nhà: Khách sạn Daewoo Hà Nội 5 sao, khu văn phòng Daeha Bussiness Center và khu căn hộ cho thuê Daeha Serviced Aparment bên cạnh hồ Thủ Lệ, 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Đây là địa điểm nổi tiếng từng đón tiếp các lãnh đạo hàng đầu thế giới như: cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của khách sạn này trong nhiều năm không thuận buồm xuôi gió.

Cho dù tỷ lệ sinh lời thấp nhưng giá trị tài sản của tổ hợp không ngừng tăng qua các năm. Giá trị ước tính của tổ hợp này trong năm 2012 đã đạt trên 430 triệu USD.

Vào đầu năm 2012, dư luận xôn xao về thương vụ thâu tóm bí ẩn Khách sạn Daewoo Hà Nội sau khi Tập đoàn Daewoo mẹ tại Hàn Quốc phá sản. Tới tháng 4/2012, đối tác nội trong liên doanh Trung tâm Thương mại Daeha là Công ty Điện tử Hanel xác nhận đã mua lại 70% vốn góp của đối tác Hàn Quốc Daewoo E&C.

Trước đó, một đại gia khác của Hàn Quốc là Tập đoàn Lotte và một số tập đoàn nước ngoài đã có những "cuộc chiến ngầm" trong một thời gian dài nhằm thâu tóm Tổ hợp Daeha. Với lợi thế tài chính mạnh, Lotte tưởng như nắm chắc phần thắng trong cuộc chạy đua này. Khi đó, có thông tin Lotte và Daewoo đã ký một biên bản ghi nhớ mà theo đó Lotte sẽ trả cả trăm triệu USD để sở hữu 100% cổ phần của Daewoo tại Daeha, để xây dựng kết hợp với khu lân cận tạo thành Lotte Town.

Mặc dù vậy, vào phút chót, Daeha đã về tay Hanel nhờ điều khoản quyền “ưu tiên mua” thuộc về các đối tác trong liên doanh, với giá trị chuyển nhượng được cho là vào khoảng 100 triệu USD.

Khách sạn Daewoo trong tay bà Trương Mỹ Lan: Nhiều đại gia nhòm ngó, qua tay nhiều chủ ảnh 1

Khách sạn Daewoo Hà Nội từng có vị thế vào hàng bậc nhất Việt Nam và qua tay nhiều đời chủ. Ảnh: Daewoo.

Bông Sen Corp và Vạn Thịnh Phát

Sau đó, hai ông chủ mới của tổ hợp Daeha được hé lộ là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Đầu tư Hợp Thành 1.

Song số phận Daeha một lần nữa sang trang mới sau khi CTCP Bông Sen (tên giao dịch là Bông Sen Corp) - một công ty con của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) - công bố tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2015 là đã mua thành công 34,83% cổ phần tổ hợp Daeha.

Trong bản chào bán quyền mua (tỷ lệ 1:2) tại Bông Sen Corp khi đó, Saigontourist cho biết, Bông Sen Corp sẽ sử dụng tiền từ đợt chào bán hơn 163 triệu cổ phiếu để hoàn tất việc sở hữu 51% cổ phần của Daeha thuộc sở hữu CTCP Daeha.

Theo Saigontourist, số tiền Bông Sen Corp chi ra để sở hữu 51% Daeha là 3.650 tỷ. Như vậy, tổ hợp khách sạn Daewoo được định giá lên tới gần 7.160 tỷ đồng.

Bông Sen Corp là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía Nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực “đất vàng” tại trung tâm TP.HCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn (117-123 Đồng Khởi), Khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Khách sạn 2 sao Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng), nhà hàng Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Vietnam House, Buffet Gánh Bông Sen, bánh Brodard với hệ thống 18 cửa hàng, lữ hành Lotus Tours...

Sau khi được tư nhân hóa, công ty này đã nhanh chóng tạo dựng dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản nhờ một loạt thương vụ thâu tóm với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng như nắm cổ phần lớn tại CTCP Khách sạn Sài Gòn, sở hữu CTCP Sài Gòn One Tower.

Mặc dù sở hữu nhiều đất vàng nhưng Bông Sen có kết quả kinh doanh yếu kém. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bông Sen lỗ 280 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 82 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng lỗ cả trong năm 2022 và 2021.

Tới giữa năm 2023, vốn chủ sở hữu của Bông Sen giảm khoảng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống còn dưới 7.000 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,69 lần, tương đương khoảng 4.811 tỷ đồng.

Bông Sen trong năm 2023 chậm thanh toán lãi và gốc lô trái phiếu trị giá 4.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nằm trong danh sách các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 11/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Bông Sen đã không thanh toán 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu và hơn 668 tỷ đồng lãi trái phiếu. Lý do mà Bông Sen Corp đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ của Bông Sen hôm 30/8/2023, đại hội đã thông qua phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả của vụ án Vạn Thịnh Phát.

ĐHCĐ bất thường của Bông Sen Corp cũng thông qua việc xử lý tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Các tài sản bao gồm: phần góp vốn của bà Trần Thi Phơ; cổ phần Công ty Daeha và hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản (tại 56-66 Nguyễn Huệ - Khách sạn Palace; 61-63 Hai Bà Trưng - Khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, 93-95-97 Đồng Khởi... ).

Tại ĐHĐCĐ bất thường hôm 30/8/2023, Chủ tịch Bông Sen Corp Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, trong các tài sản mà Bông Sen đưa vào để làm tài sản đảm bảo tại hồ sơ phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phần tại CTCP Daeha. Đây là cổ phần sở hữu thuộc CTCP Hợp Nhất 1 và Bông Sen có sở hữu cổ phần chi phối tại công ty này.

Trước đó, Bông Sen Corp từng phát hành 4 lô trái phiếu khác, trong đó có lô trái phiếu phát hành để đảo nợ cho lô trái phiếu cũ.

Trong lô trái phiếu cuối cùng và còn đang lưu hành trên thị trường, CTCP Chứng khoán Tân Việt làm tổ chức lưu ký. Tân Việt chính là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông. Doanh nghiệp này liên quan đến bà Trương Mỹ Lan - đã bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019, xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.