Khắc phục tình trạng 'cán bộ xơ cứng, không dám hành động'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiếp tục chương trình Kỳ họp, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Gói hỗ trợ lãi suất, giảm thuế VAT 2% và thực trạng cán bộ sợ sai nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Còn tình trạng “tát nước theo mưa”

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đánh giá, gói hỗ trợ tài khóa thời gian qua góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, có nguồn lực để tăng lương lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng lương hưu và kích thích tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề tốt cho việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Trong giai đoạn 2024 – 2025, bà Trịnh Thị Tú Anh đề nghị tiếp tục các chính sách, như tiếp tục giảm thuế, phí, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đại biểu kiến nghị xem xét chính sách thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh. Cùng với đó, hỗ trợ xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp; hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu, cụm công nghiệp, xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Khắc phục tình trạng 'cán bộ xơ cứng, không dám hành động' ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Đề cập đến gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ thực hiện được 3,05%, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nói, việc hỗ trợ lãi suất này nhằm hỗ trợ trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, bây giờ đã trở lại bình thường rồi thì có cần tiếp tục duy trì gói hỗ trợ này không?

“Nếu đã không hấp thụ được mà chúng ta cố gắng tìm mọi cách để “tiêu” được 2% này thì biết đâu lại nảy sinh những việc nằm ngoài mong muốn”, ông Huân đề nghị hết sức cân nhắc gói hỗ trợ này.

Về các chính sách giảm thuế 2%, theo ông, có một số những ngành đưa ra là đúng, nhưng có những lĩnh vực chưa chắc đã cần phải giảm. Hiện ở khu vực tư, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhưng theo ông Huân, nên hỗ trợ bằng các chính sách khác để doanh nghiệp bớt khó khăn sẽ hiệu quả hơn giảm thuế 2%. Ông đề nghị hết sức cân nhắc việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2%, để đảm bảo cân đối tài chính công.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận định, thực tế vẫn còn tình trạng “tát nước theo mưa”, nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đã “xin thêm”.

“Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục”, ông Hà Sỹ Đồng nói, và khẳng định, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng.

Hiến kế hóa giải cán bộ sợ sai

Đề cập đến vấn đề cán bộ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) lo ngại trước tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Ông cho rằng, điều này đã trở thành một loại “dịch” lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ.

“Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua. Thực sự đau và thực sự buồn!”, ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Để chặn “nạn dịch” này, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn các cấp cần coi đây là tình trạng tiêu cực, cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những ai có tinh thần “7 dám”.

Khắc phục tình trạng 'cán bộ xơ cứng, không dám hành động' ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) thống nhất với những đánh giá về tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ.

Tuy nhiên, ông cho rằng, tình trạng trên không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản còn chồng chéo, nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, dễ dẫn đến rủi ro. Bên cạnh đó là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Để khuyến khích cán bộ, khắc phục tình trạng “cán bộ xơ cứng, không dám hành động” vì sợ sai, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết, cho phép khi thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật linh hoạt, phù hợp nhất.

Xem lại phương thức hỗ trợ

"Phương thức hỗ trợ của chúng ta có lẽ cũng phải xem lại. Ở các nước, người ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, hỗ trợ thẳng cho người dân, mỗi người được 1.500 hay 2.000 USD, cứ thế người ta phát.

Khắc phục tình trạng 'cán bộ xơ cứng, không dám hành động' ảnh 3

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Như vậy sẽ đưa ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Còn chúng ta lại tiếp cận qua các chính sách, mà các chính sách lại phải có văn bản hướng dẫn, rồi lại phải giám sát, quy trình, thủ tục, gây kéo dài, không còn tính hiệu quả. Khi chúng ta làm xong, có khi vấn đề đó không còn thời sự nữa”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

MỚI - NÓNG