Kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn

Bộ trưởng NN&PTNT kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn
Bộ trưởng NN&PTNT kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn
TP - Chiều 14/3, tại hội nghị bàn giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (ASF), Bộ trưởng NN&PTNT kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn vì ASF không lây sang người, những ổ dịch khi phát hiện ở đâu buộc tiêu hủy hết đến đó. Nếu xảy ra tình trạng người nuôi lợn bán đổ, bán tháo sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế.  

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTN), đến chiều 14/3, ASF đã lan ra hơn 220 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An. Tổng số lợn tiêu hủy gần 23.500 con.

Theo ông Đông, bệnh ASF chủ yếu xuất hiện ở các hộ nhỏ lẻ, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học không đảm bảo, và dịch chưa xuất hiện ở các trại lớn. Điều tra nguyên nhân tại 44 ổ dịch của cơ quan thú y cho thấy, có tới 36% do vận chuyển buôn bán lợn bệnh trong vùng dịch; 25% do con người và phương tiện chưa vận chuyển chưa đảm bảo sát trùng. Và tới 39% sử dụng thức ăn dư thừa, nhà hàng, khu công nghiệp.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện dịch ASF có nguy cơ lan vào các tỉnh phía Nam rất cao, vì thế Bộ yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tăng kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn. Theo đó, Quảng Bình thành lập ngay 2 chốt kiểm dịch tạm thời (1 chốt tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch và 1 chốt tại xã Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa), bố trí lực lượng liên ngành kiểm soát 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh.

Các tỉnh nói trên, tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông. Tạm dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh ASF được tiêu hủy trên địa bàn cấp huyện…

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng, có ba khu vực rất nguy hiểm với bệnh ASF. Theo đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng, nơi đang có nhiều tỉnh có dịch, nếu không tổ chức tốt, sẽ lan rộng ra các huyện, xã chưa có dịch. Tiếp đó, khu vực vùng núi phía Bắc, với vùng rừng núi rộng lớn, nếu để virus ASF sẽ âm ỷ, có thể kéo dài cũng rất nguy hiểm.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý các tỉnh phía Nam, nếu xảy ra sẽ vô cùng căng thẳng. “Nếu xảy ra ở ba vùng thì hết chuyện, thiệt hại vô cùng lớn và lâu dài mới hồi phục được”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, hiện chăn nuôi nhỏ lẻ quá nhiều, có tỉnh có tới 120.000 hộ nuôi, nhà ở với chuồng nuôi san sát “nói chuyện gió thổi hơi cũng sang”. Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, ông Cường yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, các tỉnh cụ thể hóa, chi tiết và linh hoạt các giải pháp để khống chế dịch.

Với các hộ nhỏ lẻ cần xử lý ngay môi trường, đặc biệt bằng vôi bột. Bà con cần nấu chín thức ăn dư thừa trước khi cho lợn ăn. Với gia đình có đàn lợn mắc bệnh, không tái đàn lúc này, khi quan chuyên môn khuyến cáo mới vào.

“Với trang trại lớn, nếu xảy ra dịch thì hậu quả vô cùng lớn. Lãnh đạo các địa phương, cần điện thoại để chỉ đạo (hạn chế đến tận nơi tránh việc lây lan mầm bệnh), để đôn đốc, áp dụng nghiêm ngặt biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn”- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, tiêu thụ thịt lợn bình thường, không hoang mang, quay lưng với thịt lợn. Bởi, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, gia cầm và đàn gia súc khác. Mặt khác, những ổ dịch được phát hiện ở đâu đã buộc tiêu hủy hết đến đó, nên không quá lo ngại.

“Thủ phủ” chăn nuôi heo mất trên 2.000 tỷ đồng nếu bùng phát dịch

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng và đe dọa  đàn heo lớn nhất cả nước, ngày 14/3, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai đã có cuộc họp khẩn  với các sở , ngành, chính quyền các địa phương, Chi cục Thú y Vùng VI  và các doanh nghiệp chăn nuôi heo trên địa bàn bàn về các biện pháp phòng chống dịch.  Đồng Nai có nguy cơ mất trên 2.000 tỷ đồng  nếu bùng phát dịch. 

Ông Võ  Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, tình hình dịch tả lợn châu Phi  lây lan rất nhanh, nguy cơ lan vào phía Nam và Đồng Nai là  rất lớn, vì vậy  lãnh đạo Tỉnh ủy  chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức cùng các sở ngành và các đơn vị chăn nuôi tập trung toàn lực phòng chống dịch , tập trung tìm các giải pháp phòng chống hiệu quả nhất.   

Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG